Lại nở rộ lừa đảo đầu tư tiền ảo, nhiều người bị lừa hàng tỉ đồng

Nhiều người bị lừa tiền tỉ khi tham gia đầu tư tiền ảo – Ảnh: TỰ TRUNG

Lợi dụng lòng tham và thiếu kiến thức của một số người dân, những kẻ lừa đảo lại tung ra các chiêu trò mời gọi đầu tư tài chính, nhất là đầu tư tiền ảo với những lời dẫn dụ uy tín và lợi nhuận khủng.

Từ những câu chuyện giàu nhanh, thắng lớn chỉ sau một thời gian ngắn của một số người được truyền miệng trên các mạng xã hội về đầu tư tài chính, nhất là chơi tiền mã hóa – thường được gọi với cái tên nôm na là tiền ảo, nhiều người dùng đã “nuôi” ước mơ và tìm kiếm cơ hội làm giàu trên mạng. Nắm bắt tâm lý này, những kẻ lừa đảo tung ra nhiều chiêu trò giăng bẫy.

Đầu tư tiền ảo, bị lừa tiền tỉ

Vô tình được đưa vào một nhóm có tên “Tài chính thời đại” trên ứng dụng Telegram, chị V. (Hà Nội) được giới thiệu một loạt hoạt động đầu tư tài chính hấp dẫn đang được nhiều người tham gia. Trong đó có việc đầu tư chơi tiền ảo qua một sàn có tên Bitforex.

Quan sát trong nhóm, chị V. thấy có nhiều người khác cùng tham gia và nhiều người còn khoe cả bằng chứng lợi nhuận khủng nhận được từ việc đầu tư theo hướng dẫn của các “chuyên gia” trong nhóm. Sẵn mong muốn làm giàu nhanh chóng, chị V. đã liên tục chuyển tiền đầu tư theo hướng dẫn của các “chuyên gia” trong nhóm để mua tiền ảo.

Đến thời điểm chốt lời, chị V. bán số tiền ảo đã mua thì bỗng dưng hệ thống thông báo lỗi. Tiếp đó chị được các “chuyên gia” hướng dẫn phải đóng các loại thuế, phí, bảo hiểm… mới rút được tiền. Đến khi nhận ra mình bị lừa, số tiền mà chị V. đã gửi cho những kẻ lừa đảo đã lên đến 2,3 tỉ đồng.

Trong một trường hợp khác, khi tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder, chị T. (Hà Nội) kể đã quen một người đàn ông xưng là “bác sĩ tại một bệnh viện lớn” ở Singapore. Sau một thời gian trò chuyện và tạo được niềm tin với chị T., vị bác sĩ mời chị tham gia chơi tiền ảo.

Chị T. cho biết lần đầu nạp 20 triệu đồng và ngay lập tức rút được 30 triệu đồng. Chị tiếp tục nạp 266 triệu đồng và rút ra được 304 triệu đồng. Sau chỉ 2 lần nạp tiền, chị T. đã có lời đến 48 triệu đồng chỉ trong vòng 2 ngày. Thấy “kèo quá thơm”, chị T. tiếp tục nạp 300 triệu đồng và nhận được thông báo “tài khoản thắng 10,1 tỉ đồng” nhưng không rút được tiền.

Hệ thống thông báo chị T. “phải nộp 20% lợi nhuận thuế thu nhập cá nhân”. Ngỡ mình sắp giàu to, chị T. không ngần ngại nộp ngay 1,7 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân. Rồi tiếp đó, chị lại nộp tiếp 2 tỉ đồng tiền xác minh tài khoản để rút được tiền về và 1,4 tỉ đồng để tham gia kênh rút tiền nhanh. Thế nhưng chị T. vẫn không rút được tiền. Chị T. cho biết đã chuyển cho hệ thống tổng cộng đến 5,4 tỉ đồng chỉ trong vòng 5 ngày.

Theo các chuyên gia bảo mật, việc ngày càng nhiều người dùng tham gia các ứng dụng hẹn hò trực tuyến đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ lừa đảo. Thông qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến như Tinder, EzMatch, Lit Match, Hullo…, kẻ lừa đảo kết bạn với “con mồi”, trò chuyện và gây dựng niềm tin.

Tiếp đó chúng sẽ chuyển sang chủ đề tài chính, khuyến khích tham gia đầu tư các dự án đầy hấp dẫn. Nếu ngây thơ chấp nhận chi tiền, số tiền lãi sẽ được trả ngay sau lần đầu tiên đầu tư để tăng độ tin tưởng. “Khi nạn nhân bỏ ra một số tiền lớn nhất định, những kẻ lừa đảo sẽ tạo ra rất nhiều lý do như: nâng cấp gói VIP, hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư, gỡ bỏ chế độ an toàn, lỗi hệ thống… để chiếm đoạt tài sản”, một chuyên gia cảnh báo.

Cảnh giác các chiêu trò mời gọi

Thông tin từ Công an Hà Nội cho biết đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của người dân bị lừa tiền khi tham gia đầu tư tài chính qua mạng. Có nhiều người bị lừa từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng. Người bị lừa nhiều nhất lên đến 57 tỉ đồng. Theo công an, những kẻ lừa đảo liên tục quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên mạng thông qua các sàn giao dịch, các website do chúng tạo ra.

Một đội ngũ “nhân viên” sẽ liên tục gọi điện mời chào “nhà đầu tư” tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram… Thậm chí chúng còn giả danh là chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín nhằm dễ dụ “con mồi” vào các nhóm Facebook, Telegram, Zalo… và tham gia các sàn giao dịch do chúng tạo ra.

Những kẻ lừa đảo thi nhau quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí chúng còn đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó. Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư.

Nhiều nhóm lừa đảo còn bày chiêu trò tổ chức hội nghị, hội thảo… lồng ghép giới thiệu quảng cáo về chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Mức lợi nhuận vượt trội so với thị trường và dễ dàng rút vốn, lãi là những yếu tố được những kẻ lừa đảo liên tục đưa ra để lôi kéo người dân, nhà đầu tư.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần thận trọng khi được giới thiệu mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, nhất là khi bản thân không có kiến thức về lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Người dân nên tham khảo kỹ phản hồi, đánh giá từ những người dùng trước về trải nghiệm với sàn giao dịch, công ty tài chính, chứng khoán mà mình quan tâm đầu tư.

Bên cạnh đó người dân và nhà đầu tư nên tìm tư vấn từ chuyên gia, luật sư trước khi đầu tư nhằm tránh mất tiền từ các sàn đầu tư, công ty lừa đảo. “Người dân chỉ nên giao dịch trên các sàn được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Đặc biệt người dân không chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức, không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc nhấp vào đường dẫn lạ”, cơ quan này cảnh báo.

Singapore: gần 900 vụ lừa đảo chỉ trong 2 tháng, mất 36 triệu USD

Tháng 8-2024, cảnh sát Singapore cho biết trong chưa đầy hai tháng qua, tại quốc gia này đã xảy ra 897 vụ lừa đảo đầu tư tài chính. Các nạn nhân đã mất ít nhất 36 triệu USD do các vụ lừa đảo đầu tư trên các nhóm trò chuyện và nền tảng mạng xã hội.

Những kẻ lừa đảo thường mạo danh người nổi tiếng hoặc nhân viên của các công ty có uy tín để dụ nạn nhân vào các nhóm trò chuyện trên các nền tảng nhắn tin như Telegram, hoặc kết bạn trên các mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò. Tiếp đó chúng diễn vai thành viên nhóm chia sẻ cách đầu tư sinh lời và gửi ảnh chụp màn hình chứng minh các khoản lợi nhuận để dụ dỗ người nhẹ dạ.

Sau khi “mắc bẫy” và liên hệ với những kẻ lừa đảo, nạn nhân được giới thiệu một loạt kế hoạch đầu tư và được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, họ tên và số điện thoại. Họ cũng được hướng dẫn chuyển tiền đầu tư vào các tài khoản ngân hàng. Đặc biệt một số trang web hoặc ứng dụng đầu tư giả mạo còn hiển thị lợi nhuận “ảo” để dẫn dụ người hám lợi.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *