Làm rõ dấu hiệu trục lợi vụ đấu giá cát ở Quảng Nam

Lực lượng chức năng làm việc tới tảng sáng 19-10 để phục vụ phiên đấu giá mỏ cát – Ảnh: PHÚC TRƯỜNG

Chiều 19-10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Nam báo cáo ban đầu về vụ đấu giá mỏ cát ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Kết quả trúng thầu thuộc về Công ty cổ phần MT Quảng Đà (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) với mức giá 370 tỉ đồng để được cấp quyền khai thác.

Thế nhưng cuối ngày, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tạm dừng công nhận kết quả đấu giá, làm rõ dấu hiệu trục lợi.

Màn đấu giá xuyên ngày đêm

Theo báo cáo của Sở TN&MT Quảng Nam, cuối tháng 4 UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản và giá khởi điểm đối với 22 danh mục dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở nhiều huyện, thị xã.

Trong số này có khu vực khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường ĐB2B nằm ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn với diện tích 6,04ha, tài nguyên dự kiến 159.000m3. Mức giá khởi điểm là 1,4 tỉ đồng.

Ngày 18-10, tại hội trường UBND thị xã Điện Bàn, Công ty đấu giá Hợp danh Hòa Thuận tổ chức đấu giá mỏ cát và thu hút hàng chục doanh nghiệp. Phiên đấu giá bắt đầu từ 8h sáng nhưng kết thúc sau… 20 tiếng.

Nói với phóng viên Tuổi Trẻ, những người có mặt tại phiên đấu giá này cho biết trong buổi sáng 18-10 tình hình khá bình thường. Nhưng từ trưa cùng ngày trở đi và cho tới… 0h hôm sau, màn so kè rượt đuổi giá diễn ra giằng co giữa một số doanh nghiệp.

Từ lúc 0h trở đi, dù cho lực lượng làm nhiệm vụ đã trải qua một ngày mệt mỏi, đói lả, nhưng một vài doanh nghiệp vẫn tiếp tục bỏ giá cao hơn. Mãi tới 4h08 sáng 19-10, nghĩa là sau 20 giờ theo đuổi thì Công ty cổ phần MT Quảng Đà chốt được mức giá 373 tỉ đồng cho mỏ cát trên.

Như vậy so với giá khởi điểm thì giá chốt phiên đấu giá tăng tới 1.534,6%. Khái toán số tiền mà đơn vị trúng thầu phải nộp vào ngân sách nhà nước là 370,577 tỉ đồng, vượt giá khởi điểm là 369,3 tỉ đồng.

“Chưa bao giờ ở địa phương có phiên đấu giá kéo dài, giá cao ngoài sức tưởng tượng như vậy. Suốt 20 giờ đồng hồ trong phiên đấu giá, cán bộ phục vụ phải nội bất xuất ngoại bất nhập. Nước uống, đồ ăn nhanh, bánh mì… được đưa từ ngoài vào.

Anh em đều mệt rã rời, ngồi từ 8h sáng hôm trước đến 5h30 sáng hôm sau mới ký được biên bản”, một người có mặt trong phiên đấu giá nói.

Làm rõ dấu hiệu trục lợi vụ đấu giá cát ở Quảng Nam - Ảnh 2.

Phiên đấu giá căng thẳng và kéo dài hàng chục giờ đồng hồ – Ảnh: PHÚC TRƯỜNG

Phi lý, có dấu hiệu trục lợi

Sau khi phiên đấu giá kết thúc, thông tin mỏ cát được ghim giá 370 tỉ đồng cho 159.000m3 cát đã gây xôn xao dư luận tại miền Trung.

Giới kinh doanh vật liệu cùng doanh nghiệp khai khoáng, xây dựng cho rằng không thể tin một doanh nghiệp làm ăn tính toán trước sau nghiêm túc lại sẵn sàng bỏ 370 tỉ đồng để mua mỏ cát như trên. Khái toán sơ bộ giá chưa khai thác cho mỗi m3 cát tại mỏ lên tới trên 2,3 triệu đồng.

Ngày 19-10, khảo sát tại thị trường miền Trung, PV Tuổi Trẻ ghi nhận giá cát chở tới công trường dao động quanh mốc 390.000 – 450.000 đồng/m3. Như vậy so với mức giá chưa khai thác mà doanh nghiệp trúng đấu giá ở Quảng Nam thì chênh nhau tới 4 – 5 lần.

“Cát chứ không phải là vàng mà nói mua vào bất chấp. Mỗi m3 cát tại bãi trúng đấu giá 2,3 triệu đồng nếu cộng chi phí khai thác, thuế phí các loại thì không dưới 2,6 triệu đồng. Nếu giá đó chở ra thị trường thì sẽ bán cho ai?

Tại sao dân lại phải mua cát đắt như vậy trong khi loại xịn lắm, chở tận nơi cũng chỉ 400.000 – 500.000 đồng/m3?”, ông Bùi Ngọc Đức, chủ một doanh nghiệp xây dựng tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, băn khoăn.

Trong ngày 19-10, nhiều cơ quan như Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, UBND thị xã Điện Bàn… đã vào cuộc xác minh vụ đấu giá mỏ cát nhiều bất thường theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.

PV Tuổi Trẻ và nhiều cơ quan báo chí đã tìm cách tiếp cận, trao đổi với đại diện đơn vị trúng thầu mỏ cát nhưng không nhận được phản hồi.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản năm 2016

Nhiều doanh nghiệp cho biết gần đây có nhiều vụ đấu giá khoáng sản chốt giá khủng. Đơn vị tham gia đấu cố tình đẩy giá lên cao rồi bỏ cọc mà không phải lãnh hậu quả lớn. “Hiện nay nếu bỏ kết quả đấu giá thì chỉ mất tiền đặt cọc. Tùy theo quy mô tài sản đấu giá mà tiền cọc cao, thấp.

Như vụ ở Điện Bàn nếu doanh nghiệp không theo tới cùng thì chỉ mất 242 triệu đồng, trong khi hậu quả để lại rất lớn. Chúng tôi cho rằng cần phải nâng tỉ lệ tiền đặt cọc lên gấp nhiều lần.

Hoặc cũng có thể đặt ra quy định sẽ mất 10 – 20% tiền trúng đấu giá tài sản nếu “hủy sô”. Làm như vậy mới hy vọng chùn tay những đơn vị cố tình thổi giá, làm trò”, ông Lê Trường Nam, chủ một doanh nghiệp lớn ở Đà Nẵng, đề xuất.

Chiều 19-10, trong công văn chỉ đạo tạm dừng công nhận kết quả đấu giá mỏ cát tại Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam nêu vụ đấu giá có yếu tố bất thường. Mức giá trả cao gấp rất nhiều lần giá khởi điểm và giá cơ quan chức năng công bố.

Mức giá cuối cùng cũng cho thấy có dấu hiệu thao túng thị trường nhằm trục lợi, đẩy giá vật liệu cát xây dựng lên cao, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, quy trình, thủ tục vụ việc.

Khi kiểm tra đặc biệt lưu ý năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của đơn vị tham gia đấu giá quy định tại điều 53 Luật Khoáng sản năm 2010 và những bất cập trong quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Công an tỉnh chỉ đạo điều tra động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá. Khi phát hiện có vi phạm thì xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *