Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ truyền thông Myanmar cho biết nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Myint Swe (73 tuổi) hiện mắc chứng sa sút tâm thần vận động (psychomotor retardation, hội chứng làm giảm khả năng vận động của bệnh nhân) và suy dinh dưỡng.
“Theo kết quả khám sức khỏe, ông Myint Swe mắc chứng rối loạn thần kinh và bệnh lý về thần kinh ngoại biên (peripheral neuropathy disease)”, tờ báo địa phương Global New Light of Myanmar đưa tin.
Tờ báo này cũng tiết lộ tình trạng sức khỏe của ông Myint Swe vẫn không cải thiện và phải phẫu thuật cả hai mắt, dù đã được can thiệp y tế và điều trị tại Singapore.
“Vì ông ấy không thể thực hiện các hoạt động thường nhật như ăn uống nên chúng tôi đang cung cấp các biện pháp điều trị y tế chặt chẽ”, truyền thông Myanmar dẫn thông báo của cơ quan chức năng.
Sau khi bà San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint bị bắt hồi năm 2021, phó tổng thống Myint Swe trở thành quyền tổng thống.
Mặc dù ông Myint Swe chỉ là nhân vật mang tính biểu trưng nhưng giới quan sát nhận định tình hình sức khỏe của ông có thể khiến chính quyền quân sự đối mặt với một số vấn đề liên quan đến hiến pháp.
Đặc biệt, tin tức về các vấn đề sức khỏe của nhà lãnh đạo Myanmar bùng nổ trong thời điểm quốc gia Đông Nam Á này đang phải vật lộn để ổn định đất nước.
Ông Richard Horsey, một nhà phân tích về Myanmar tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG), cho biết Myanmar hiện không có người đảm nhận vị trí cấp phó chính thức dưới quyền ông Myint Swe, nên họ sẽ không có người kế nhiệm, trừ khi ông Myint Swe từ chức.
“Như vậy, Thống tướng Min Aung Hlaing sẽ quyết định các vấn đề của đất nước, nhưng ông ấy không thể tự đề cử chính mình làm lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar”, ông Horsey nói rõ.
Mất quyền kiểm soát một số thị trấn biên giới quan trọng
Hiện quân đội Myanmar đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm chính quyền sau cuộc đảo chính hồi năm 2021, khi các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số liên tục nổi dậy ở các vùng biên giới phía bắc, đông bắc, tây bắc và tây nam nước này.
Hồi cuối tháng 10-2023, “Liên minh 3 anh em” gồm Đội quân dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội giải phóng dân tộc Ta’ang (TNLA) thông báo đã chiếm giữ một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Myanmar với Trung Quốc.
Cho đến nay, chính quyền quân đội Myanmar cũng thừa nhận đã mất quyền kiểm soát tại một số thị trấn biên giới quan trọng, có giao thương với Trung Quốc. Các cuộc giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn từ cuối tháng 10-2023 mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.