Theo Hãng tin Reuters, ngày 8-1, các thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ đã từ chối nghe kháng cáo của mạng xã hội X (tên mới của Twitter) về phán quyết của tòa án cấp dưới.
Phán quyết cấp thấp hơn trước đó cho rằng những hạn chế của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đối với những gì X có thể nói công khai về các cuộc điều tra không vi phạm quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp Mỹ.
Trong đơn kháng cáo, các luật sư của X cho rằng “việc giám sát thông tin liên lạc điện tử vừa là mảnh đất màu mỡ cho sự lạm quyền của chính phủ, vừa là một chủ đề chính trị thu hút sự quan tâm sâu sắc của công chúng”.
Theo họ, các thẩm phán phải thụ lý vụ việc để thiết lập rõ ràng các tiêu chuẩn cho phép những công ty công nghệ có thể công khai các yêu cầu của chính phủ với họ lúc nào, và như thế nào.
Vụ kiện kéo dài được đệ trình vào năm 2014, rất lâu trước khi tỉ phú Elon Musk mua lại Twitter vào năm 2022.
Vào năm 2015, Quốc hội Mỹ đã ban hành luật cho phép các công ty tiết lộ thông tin hạn chế về tần suất họ nhận được cái gọi là thư và lệnh an ninh quốc gia, theo Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài để tìm kiếm dữ liệu người dùng.
Tùy thuộc vào loại báo cáo mà họ xuất bản, các công ty có thể tiết lộ số nhu cầu của chính phủ về dữ liệu với số lượng ít nhất 100 hoặc nhiều nhất là 1.000.
Mạng xã hội X, trong vụ kiện của mình, cho biết họ muốn tiến xa hơn và tiết lộ chính xác trong khoảng thời gian sáu tháng trước đó mà chính phủ đã tống đạt cho họ các lệnh an ninh quốc gia để tìm kiếm thông tin.
X sau đó nộp một bản dự thảo báo cáo cho FBI trước khi khởi kiện, nhưng FBI kết luận rằng thông tin trong báo cáo là mật và không thể công bố rộng rãi.
Một thẩm phán cơ sở đã bác bỏ vụ kiện của X và một hội đồng gồm ba thẩm phán của tòa phúc thẩm có trụ sở tại San Francisco đã giữ nguyên phán quyết đó vào tháng 3-2023.