Bên cạnh đó, Bộ Thông tin truyền thông cũng đã khóa 147 tài khoản, 54 nhóm trên Facebook, 22 kênh Youtube (chứa khoảng 32.000 video), 246 tài khoản TikTok thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong năm 2023.
Theo Bộ Thông tin truyền thông, đây là những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, Youtube, Google, Tiktok…) trong năm 2023.
Cơ quan chức năng đã buộc các nền tảng trên phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xóa bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại, nâng tỷ lệ xóa, chặn thông tin xấu độc trên 90% yêu cầu của Nhà nước Việt Nam, với thời gian rút ngắn và tỷ lệ xử lý cao hơn.
Bộ Thông tin truyền thông đặt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ ngành, triển khai đồng bộ, kết hợp nhiều giải pháp pháp kinh tế, kỹ thuật, truyền thông để yêu cầu với các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Bên cạnh đó là đầu tư nguồn lực về nhân sự, công nghệ để thực hiện giám sát, phát hiện và tăng cường xử lý kịp thời các vi phạm trên không gian mạng.
Đặc biệt, việc quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng sẽ được siết chặt, song hành cùng tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp quảng cáo thường xuyên vi phạm, cũng như điều tiết quảng cáo vào báo chí và nội dung xác thực trên mạng.
Mới đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã cập nhật danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật (gọi tắt là Black list) của năm 2023 với 403 website.
Số lượng website thuộc Black list đã gia tăng mạnh trong năm vừa qua. Riêng trong tháng 12-2023 có đến 98 trang web bị đưa vào Black list. Trong đó có nhiều trang web cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng như bet**way.vn, JBO**.com, thethao**.org hay như FUN*8.com…
Đây là các website Bộ Thông tin truyền thôn đề nghị người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không phát hành sản phẩm quảng cáo trên đó do có nội dung vi phạm.
Nhiều vi phạm phát sinh trên các nền tảng xuyên biên giới
Bộ Thông tin truyền thông cũng thừa nhận vẫn còn rất nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm của các nền tảng này.
Chẳng hạn, nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng như livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, phát tán nhanh, khi có vi phạm về nội dung thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất thời gian.
Trong khi đó, các mạng xã hội, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới chưa chủ động có bộ lọc để chặn, gỡ từ hệ thống các nội dung, quảng cáo vi phạm trong khi việc chặn gỡ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam chưa thể là giải pháp căn cơ, lâu dài vì “rác” trên mạng được sản sinh liên tục.