Trong chương trình Trên Ghế ngày 7-12, chuyên gia Quang Anh đã đưa ra những nhận định đáng suy ngẫm về việc: Liệu Mercedes-Benz Việt Nam sắp chuyển qua chỉ bán xe nhập khẩu?
* Từ hình ảnh công ty phân phối xe đứng tên Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) với người đại diện chính là CEO hiện tại của MBV, nhiều người cho rằng hãng xe Đức sẽ không lắp ráp nữa mà chuyển hoàn toàn sang nhập khẩu. Thông tin này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
– Tôi không quá bất ngờ về việc MBV có thêm pháp nhân mới là công ty nhập khẩu. Tôi chỉ bất ngờ vì tiến trình này diễn ra nhanh.
Thực tế, hãng đã chuẩn bị từ trước. Việc này có tính toán trong một thời gian dài chứ không phải trong một sớm một chiều.
Về mặt thị trường, đây là bước chuyển dịch cần thiết. Những năm gần đây, MBV đã mất dần thị phần tại Việt Nam, việc chuyển sang xe nhập khẩu (CBU) sẽ giúp cải thiện tình hình kinh doanh.
MBV đang nằm trong thế gọng kìm. Thứ nhất, họ có những điểm yếu về sản phẩm. Thứ hai, họ đang phải chịu sức ép từ đối thủ.
Những năm gần đây thiết kế của Mercedes-Benz thay đổi theo hướng unisex (phù hợp cho cả nam và nữ). Vì thế, khách hàng thường tìm kiếm sự lựa chọn khác cá tính hơn.
Trong 2 năm gần đây, các thương hiệu khác phát triển rất nhanh. Năm 2024, Volvo tăng thị phần từ 10% lên 15%, Audi tăng từ 20% lên 27%, BMW có những mẫu xe lắp ráp (CKD) với những lợi thế về giá thành, lệ phí trước bạ theo từng thời điểm.
* Hiện có 2 luồng ý kiến: Chuyển sang xe CBU giá sẽ đắt hơn và xe CBU sẽ thích hơn xe CKD. Ý kiến của anh như thế nào?
– Trước đây và bây giờ, luôn có một khoảng cách nhất định về giá bán giữa xe CBU và xe CKD. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khoảng cách này sẽ được thu hẹp. Giá bán mới cho các xe nhập khẩu của Mercedes-Benz chắc chắn sẽ rất cạnh tranh. Vì 3 lý do.
Thứ nhất, số lượng xe đặt hàng từ nhà máy Thái Lan sẽ tăng lên, giúp giá MBV mua giảm xuống theo nguyên tắc của bán buôn – bán sỉ.
Thứ hai, việc nhập khẩu từ Thái Lan sẽ hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% trong khu vực. Lúc đó, có thể xem như được “miễn thuế”.
Thứ ba, xe CBU nhập khẩu nguyên chiếc chỉ phải chịu thuế một lần. Xe CKD là xe lắp ráp từ nhiều chi tiết, mỗi chi tiết lại phải chịu một mức thuế khác nhau, khiến cho MBV khó đưa ra mức giá phù hợp. Khi nhập khẩu xe, bài toán này sẽ đơn giản hơn.
* Vậy anh nhận định thế nào về ý kiến xe CBU thích hơn xe CKD?
– Đây là quan niệm chỉ đúng khi các thương hiệu bắt đầu có nhà máy ở Việt Nam. Hồi đó, tay nghề của thợ Việt chưa tốt như bây giờ, nên việc hoàn thiện một sản phẩm có những lỗi nhất định.
Nhưng trải qua hơn 30 năm, trình độ của thợ Việt đã chuyên nghiệp hơn. Vì thế, sự khác biệt giữa xe CKD và CBU nếu có sẽ rất nhỏ.
Sự khác biệt này chỉ ảnh hưởng với yếu tố con người. Còn lại, vật liệu sử dụng trên hai dòng xe hoàn toàn giống nhau.
* Vì sao anh khẳng định xe Mercedes-Benz sắp tới sẽ nhập khẩu từ Thái Lan thay vì từ Đức hay nơi khác?
– Xe CBU từ các nước ASEAN đang được hỗ trợ thuế nhập khẩu 0%. Điều này tạo ra lợi thế rất lớn so với việc nhập khẩu từ EU hay các thị trường khác.
Trong bài toán kinh doanh, ai cũng phải tối ưu hóa chi phí. Vì thế, tôi cho rằng xe Mercedes-Benz trong tương lai sẽ chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, với những mẫu xe chỉ sản xuất ở những quốc gia nhất định sẽ buộc phải nhập khẩu từ quốc gia đó.
* Volvo đang có hai nguồn nhập khẩu. Nhập từ Malaysia là những mẫu xe vừa tầm, nhập từ Thụy Điển thường là các mẫu xe đầu bảng. Nhiều khách của Volvo nói rằng họ thích xe nhập từ Thụy Điển hơn. Liệu điều tương tự có xảy ra với Mercedes-Benz?
– Những người mua xe sang tại Việt Nam luôn có tư duy xe CBU có chất lượng tốt hơn xe CKD. Nhưng như tôi đã nói, việc xe lắp ráp ở các nước có thể có sự khác biệt nhưng rất ít.
Việc một hãng xe lại bán mẫu xe này ở thị trường này mà không bán tại thị trường kia là do liên quan đến kế hoạch sản xuất. Ví dụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng về một mẫu xe ở thị trường nào đó lớn hơn, họ sẽ sản xuất tại đó để tối ưu chi phí.
* Vài năm trước, chúng ta có thể thấy khoảng cách giá giữa xe Mercedes-Benz CKD và xe BMW CBU rất rõ ràng. Khi đó, MBV đứng số 1 về phân khúc hạng sang.
Nhưng hiện tại và sắp tới, BMW tập trung vào xe CKD còn MBV có thể chỉ bán xe CBU. Điều này có gây ra khó khăn cho MBV hay không?
– BMW chưa dẫn đầu phân khúc thị trường.
BMW đã chuyển sang CKD được 2 năm. Nhưng khoảng cách về thị phần của BMW so với Mercedes-Benz hiện tại hầu như không thay đổi. Trong năm 2024, cả Mercedes-Benz và BMW đều mất thị phần vào các đối thủ khác.
BMW muốn tạo ra khoảng cách với Mercedes-Benz sẽ còn nhiều việc phải làm. Trong khoảng thời gian đó, MBV cũng đã có những tính toán cho việc này.
Như tôi đã nói, giá bán xe CBU dự kiến sẽ không cao hơn quá nhiều so với xe CKD hiện tại. Bản thân khách hàng đã có tâm lý thích xe nhập, họ sẽ sẵn sàng trả thêm.