Theo Chủ tịch IAFF Edward A. Kelly, hội đồng điều hành đã bỏ phiếu vào ngày 3-10 để xem xét sẽ ủng hộ ông Donald Trump (Đảng Cộng hòa) hay bà Kamala Harris (Đảng Dân chủ), với kết quả chênh lệch chỉ 1,2%.
Ông Edward A. Kelly cho biết IAFF sau cùng quyết định không nghiêng về bất kỳ ứng viên nào vì “đây là cách tốt nhất để duy trì và củng cố đoàn kết nội bộ”.
Tuyên bố trên là “đòn giáng mạnh” vào Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nói riêng và Đảng Dân chủ nói chung vì công đoàn này là tổ chức đầu tiên ủng hộ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 4-2019, theo NBC News.
IAFF là công đoàn đại diện cho hơn 350.000 lính cứu hỏa, nhân viên y tế khẩn cấp và cứu hộ trên khắp Mỹ và Canada.
Việc IAFF tuyên bố không ủng hộ ứng viên nào vào phút chót có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Đảng Dân chủ.
Theo báo Politico, quyết định trên xuất phát một phần từ mối quan hệ kéo dài hằng thập kỷ của ông Biden với lãnh đạo IAFF khi đó là ông Harold Schaitberger, người đã từ chức vào năm 2021.
Hiện nhóm vận động tranh cử của bà Harris chưa đưa ra phản hồi nào sau tuyên bố của IAFF.
Trong khi đó nhóm vận động tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump gọi đây là “một đòn giáng mạnh nữa” vào bà Harris, đồng thời cho biết IAFF là công đoàn cao cấp thứ hai tuyên bố không ủng hộ ứng viên tổng thống nào, sau công đoàn Teamsters.
Teamsters là một trong những công đoàn lớn nhất nước Mỹ, đại diện cho khoảng 1 triệu tài xế xe tải và công nhân vận tải, hồi tháng 9 cũng tuyên bố không ủng hộ ứng viên nào trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Bà Harris đã giành được sự ủng hộ của nhiều công đoàn trên khắp cả nước. Tuy nhiên tuyên bố của IAFF và Teamsters là hai thất bại đáng chú ý đối với chiến dịch tranh cử của bà, trong bối cảnh ứng cử viên Đảng Dân chủ đang nỗ lực tiếp cận các cử tri thuộc tầng lớp lao động, đặc biệt tại các bang chiến trường quan trọng như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.