Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 43,1ha vụ thu đông 2024 tại ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười như sau: lượng giống 70kg/ha (giảm 80kg/ha so với ngoài mô hình), sạ hàng và sạ cụm kết hợp vùi phân, giảm 26kg – 50kg/ha phân bón tùy loại, giảm thuốc bảo vệ thực vật 1 lần trừ sâu, 2 lần trừ rầy, 2 lần trừ bệnh. Quản lý nước ướt khô xen kẽ, rút nước thành công 3/4 lần.
Ông Trần Tấn Đặng, ngụ ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết điều tâm đắc nhất khi tham gia đề án là tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất, tăng tỉ lệ vô gạo của hạt gạo, tạo năng suất cuối vụ tốt.
“Tôi đang canh tác 2ha. Qua vụ này, tôi thấy năng suất được cải thiện, chất lượng gạo nâng lên, tỉ lệ vô gạo cao hơn các vụ rồi trước khi vào mô hình. Về giống, giảm lượng giống khoảng 30-40%. Lúc trước 1.000m2 tôi sạ 14-15kg giống/công, hiện tại là 7kg/công. Năng suất có tăng”, ông Đặng nói.
Kết quả mô hình tại Đồng Tháp giảm 4,92 tấn CO2 tương đương/ha, đạt năng suất 6,1 tấn/ha, giảm chi phí 1,6 triệu đồng/ha, giảm giá thành sản xuất 399 đồng/kg, được công ty thu mua giá 8.300 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn 4,3 triệu đồng/ha.
Qua đánh giá, mô hình đã đạt các mục tiêu của đề án 1 triệu héc ta lúa về canh tác bền vững (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật..), về tổ chức lại sản xuất (liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã), về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh (thu gom rơm khỏi đồng ruộng, giảm tỉ lệ phát thải khí nhà kính).