Ngày 13-8, ông Nguyễn Ngọc Pháp – phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk) – cho biết đang tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định trong khai thác cát lần 2 đối với Công ty cổ phần 484 (trụ sở ở Nghệ An).
Được ưu đãi khai thác cát nhưng vẫn vi phạm
Theo ông Pháp, Công ty cổ phần 484 được giao khai thác mỏ cát ở huyện Krông Bông với diện tích gần 15,4ha, trữ lượng hơn 250.000m3, thời gian khai thác 2024 – 2026 để phục vụ các nhà thầu xây dựng dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư).
Công ty cổ phần 484 được ưu đãi các thủ tục cấp phép mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường (cát) theo cơ chế đặc thù.
Ngày 4-5-2024, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản xác nhận khối lượng (tương đương như giấy phép khai thác – PV) để công ty thực hiện các bước còn lại, nhằm triển khai khai thác cát trên sông Krông Bông.
UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu trước khi khai thác, doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù.
Thế nhưng khi vừa có chủ trương, doanh nghiệp triển khai hút cát ngay “để kịp tiến độ” nhưng lại “nợ” hoặc “quên” thực hiện đúng một số cam kết.
Cụ thể, doanh nghiệp đã khai thác và xuất bán cát nhưng hiện chưa lắp đặt trạm cân, chưa có bãi tập kết cát đúng quy định.
Ngoài ra, theo kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành huyện Krông Bông vào ngày 25-6, Công ty cổ phần 484 cũng mắc thêm nhiều vi phạm như: chưa đăng ký số lượng và gắn logo cho phương tiện vận chuyển cát từ bãi tập kết đến địa điểm dự án cao; xe chở cát có trọng tải lớn nhưng lưu thông trên đường bê tông giao thông nông thôn nguy cơ làm hư hỏng đường…
Theo đăng ký, doanh nghiệp sử dụng 3 tàu hút có đăng kiểm nhưng lại dùng bè để khai thác.
UBND huyện yêu cầu Công ty cổ phần 484 tạm dừng việc khai thác cát để bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu, chưa đảm bảo nhưng doanh nghiệp không chấp hành.
Theo ông Pháp, đến nay công ty này mới khắc phục được việc đã lắp camera giám sát, còn các thiếu sót khác chưa khắc phục nhưng vẫn tiến hành khai thác.
“Tuần này huyện sẽ đi kiểm tra và nếu các hạng mục có thể khắc phục ngay (trạm cân, đăng ký phương tiện chở cát…) doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện sẽ đình chỉ khai thác”, ông Pháp nói.
Mỏ cát đặc thù còn xin thêm… cơ chế đặc biệt?
Nói về việc này, ông Võ Song Mai – giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần 484 tại Đắk Lắk – thừa nhận doanh nghiệp đã khai thác, cung cấp cát cho dự án cao tốc nhưng còn một số nội dung chưa thực hiện đúng.
Ông nêu lý do rằng lúc khảo sát mùa nước lớn, doanh nghiệp đăng ký 3 tàu hút cát, nhưng khi triển khai thực tế sông quá cạn, tàu đành nằm bờ, doanh nghiệp phải sử dụng trái phép một số bè hút cát ở một vài vị trí trên sông.
Ngoài ra do cát lẫn đá nhiều, nhưng để có trữ lượng, doanh nghiệp dùng máy múc sâu xuống sông rồi đổ lên sàng lọc cát chứ không thực hiện bơm hút theo đăng ký.
“Hiện nay công ty đã làm đề xuất gởi UBND tỉnh Đắk Lắk cho cơ chế đặc biệt để được khai thác cát, đảm bảo tiến độ toàn dự án”, ông Mai nói.
Về bãi tập kết cát, ông Mai nói do thời gian hoạt động ngắn nên việc mua đất, thực hiện việc chuyển đổi đất làm bãi tập kết cát… theo quy định Luật Đất đai khó thực hiện. Doanh nghiệp xin tỉnh hướng dẫn cơ chế khác để doanh nghiệp được lập bãi tập kết tạm. Về việc lắp trạm cân, Công ty cổ phần 484 cũng xin không thực hiện vì… tốn kém.
Ông Nguyễn Ngọc Pháp cho biết đã nhiều lần yêu cầu Công ty cổ phần 484 thực hiện đúng bản xác nhận của UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 4-5-2024, quy định về đất đai, khoáng sản. Tuy nhiên trong thực tiễn thực hiện cũng có những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Theo ông, nếu thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai về việc phải có bãi tập kết cát mới cho khai thác, vận chuyển sẽ chậm tiến độ toàn dự án cao tốc. Nội dung này huyện đã đề nghị, chờ UBND tỉnh hướng dẫn.
“Đối với đề nghị của doanh nghiệp về việc không lắp trạm cân, đổi phương tiện khai thác, vận chuyển cát so với “giấy phép” đã được phê duyệt cũng vượt thẩm quyền, nên phải chờ tỉnh cho ý kiến.
Đối với các nội dung khác mà doanh nghiệp đang thiếu, chưa thực hiện thì huyện sẽ kiểm tra, yêu cầu thực hiện đầy đủ”, ông Pháp nói.
Liên quan đến phương tiện khai thác, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết sẽ phối hợp kiểm tra. Trong khi lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk sẽ trả lời sau.