Ngày 9-7, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức Tọa đàm phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025.
Quản trị mắt xích xanh để nâng cao năng lực
Ông Nguyễn Quang Vinh – phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho hay quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích như thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…
Khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành.
Do vậy, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng, mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.
Lãnh đạo VCCI cũng khẳng định sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để đưa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) thành một trong những tiêu chuẩn quốc gia nhằm áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc.
Ông Lê Duy Hiệp – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) – cho biết xây dựng ngành logistics bền vững, có khả năng thích ứng nhanh và là xu hướng tất yếu.
Theo đó, xanh hóa không còn là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Thậm chí trên thế giới nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.
Ông Ngô Sỹ Hoài – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) – cho hay ngành công nghiệp gỗ đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, nếu chỉ tính đến nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Chỉ 6% hiểu về chuỗi cung ứng
Đến nay Việt Nam hiện xuất khẩu gỗ sang 5 thị trường chính, trong đó Mỹ chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch.
“Nếu Mỹ nhập khẩu 10 chiếc ghế thì trong đó có 4 là “Made in Vietnam”. Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Đây là 5 thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam”, ông Hoài nói.
Tuy nhiên, ông Hoài nói gỗ cũng là sản phẩm rất “nhạy cảm” với môi trường. Chưa kể đây là ngành đặc thù do cồng kềnh so với sản phẩm khác, chi phí vận tải cao. Vì vậy việc thiết lập chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh là cấp thiết, mang tính sống còn với ngành để phát triển bền vững.
Ông DongKyun Kim – phó chủ tịch Công ty TNHH Samsung SDS, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) – cho biết thách thức lớn nhất trong chuỗi cung ứng là khách hàng nhìn nhận rõ được độ minh bạch.
Qua khảo sát, chỉ khoảng 6% khách hàng hiểu về chuỗi cung ứng, 15% hiểu một phần, còn lại 79% không nắm được chuỗi cung ứng được hình thành cụ thể như thế nào. Điều này dẫn tới rủi ro, đó là việc chậm trễ trong sản xuất do doanh nghiệp thiếu thông tin khi kiểm kê hàng tồn kho; việc vận chuyển hàng hóa bị chậm hay quản lý nhà kho gặp nhiều vấn đề.
“Trước đây việc quản lý kho được thực hiện thủ công. Với hàng trăm ngàn đơn mỗi ngày mà làm thủ công như vậy, việc xảy ra lỗi hoặc sai sót là rất lớn. Vì vậy khi quản lý kho được tự động hóa, sau 4 tuần, tỉ lệ lỗi giảm 15%”, ông DongKyun Kim nói.
Ông Trần Thanh Hải – phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – cho rằng chuyển đổi xanh ngành logistics là bài toán khi các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để ngày càng xanh hóa.
Do đó, ông Hải khuyến nghị cùng với việc tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng phương tiện có hiệu suất cao, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong quá trình làm việc.