Phát biểu ngày 31-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington không liên quan vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh mới đây, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Mỹ bác nghi vấn liên quan vụ ám sát thủ lĩnh Hamas
“Đây là chuyện chúng tôi không biết hoặc không liên quan gì. Rất khó để suy đoán”, ông Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với Channel News Asia trong chuyến đi Singapore.
Trước đó cùng ngày, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo thủ lĩnh Hamas Haniyeh bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran của Iran, nơi ông Haniyeh tới dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm 30-7.
Vụ việc khiến giới quan sát đặc biệt lo ngại cho tình hình Dải Gaza. Không chỉ là thủ lĩnh Hamas, ông Haniyeh còn là nhân vật rất quan trọng cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine ở vùng đất này.
Một số suy đoán lập tức lan truyền và không ngạc nhiên khi đối tượng bị nghi ngờ là Israel và Mỹ, đồng minh số một của họ. Cho tới nay, chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Cái chết của ông Haniyeh tuy vậy có thể châm ngòi cho căng thẳng cực điểm giữa Israel và Hamas, chưa kể tạo ra tình huống khó nói với Iran – vốn có mối quan hệ không tốt với Israel.
Một vụ giết thủ lĩnh Hamas thực hiện ngay tại thủ đô Tehran là điều khiến giới chức Iran không thể cho qua. Và nhìn chung, đây như thùng dầu đổ vào chảo lửa Trung Đông khiến các quốc gia ở vị trí “nhạy cảm” như Mỹ phải lên tiếng.
“Từ nhiều năm nay tôi đã hiểu rằng đừng bao giờ suy đoán về tác động của một sự kiện lên một sự kiện khác”, ông Blinken nói thêm khi được hỏi về việc liệu cái chết của ông Haniyeh có ảnh hưởng gì tới cuộc chiến Israel – Hamas ở Dải Gaza hay không.
Người Palestine ủng hộ Hamas
Trong một bài phản ánh hôm 31-7, Reuters nhận định việc ông Haniyeh bị sát hại gần như chắc chắn sẽ khiến người Palestine thêm thù địch với Israel.
Không phải người Palestine nào cũng là thành viên của Hamas. Tuy nhiên, phong trào Hamas đã lớn mạnh và trở thành thế lực quân sự – chính trị đầy ảnh hưởng đối với người Palestine nói chung ở cả Gaza lẫn Bờ Tây.
Tại Bờ Tây, một số người Palestine được phỏng vấn khẳng định sự kiện Haniyeh không ảnh hưởng gì tới phong trào Hamas.
Fawzi Nassar, một cư dân sống ở thành phố Hebron, lập luận rằng lâu nay vốn dĩ Israel đã đứng sau hàng loạt vụ ám sát nhân vật cấp cao của Hamas. Và kết quả chỉ dẫn tới sự kháng cự như đã thấy, với cao điểm là việc Hamas tấn công làm chết hơn 1.200 người trên đất Israel, dẫn tới thảm kịch hàng chục ngàn người chết vì đòn trả đũa của Israel ở Gaza.
“Chúng tôi thức dậy ban sáng với thảm kịch cho người Palestine. Ông ấy (Haniyeh) không phải người đầu tiên bị ám sát. Đã rất nhiều vị lãnh đạo trong quá khứ, như Shiekh Ahmed Yassin và vài người nữa, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng tới sự kiên quyết của chúng tôi”, Reuters dẫn lời Nassar.
Ahmed Yassin là người sáng lập Hamas và từng bị Israel giết vào năm 2004. Hamas và Fatah là các đối thủ chính trị, cạnh tranh sức ảnh hưởng đối với người Palestine.
Hiện nay dù Bờ Tây đang do chính quyền Palestine của phong trào Fatah lãnh đạo, một số cuộc thăm dò cũng cho thấy sự ủng hộ dành cho Hamas rất mạnh mẽ.
Trước tin lãnh đạo Hamas Haniyeh bị ám sát, vừa qua Fatah cũng lên án và gọi đó là “tàn ác và hèn hạ”.
Mustafa Barghouti, một chính trị gia người Palestine, cáo buộc Israel đã ám sát ông Haniyeh, và đồ rằng đây là cách Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cố tình tạo thêm xung đột để chiến tranh tiếp diễn.
“Dĩ nhiên chuyện này sẽ gia tăng căng thẳng. Và đây là điều Netanyahu mong muốn. Ông ta hiểu rằng sự chấm dứt của cuộc chiến này cũng là cái kết cho sự nghiệp chính trị của ông ta”, vị này nói.
Trong diễn biến mới nhất, tối 31-7 theo giờ Việt Nam, Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Israel David Mencer cho biết Israel “sẽ không bình luận về sự kiện cụ thể này”.
Tuy nhiên, ông Mencer lưu ý Israel đang cảnh giác cao độ trước khả năng Iran trả đũa.