Số tiền này được trích từ ngân sách theo Luật Cơ sở hạ tầng, và động thái này của DOE là một phần trong chương trình nghị sự Đầu tư vào nước Mỹ của chính quyền Biden – Harris.
Washington tăng tốc
Tạp chí Newsweek cùng ngày 20-9 đánh giá động thái trên của Mỹ nhằm mục đích giảm sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất pin toàn cầu – một lĩnh vực chủ chốt trong ngành sản xuất xe điện và các linh kiện điện tử khác.
“Chúng ta đang ở trong thời kỳ phục hồi sản xuất tại Mỹ và chương trình nghị sự Đầu tư vào nước Mỹ của chính quyền Biden – Harris tiếp tục thổi luồng sinh khí mới vào các cộng đồng kinh tế địa phương trên khắp nước Mỹ.
Bằng cách đưa Mỹ lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất pin tiên tiến, chúng ta đang tạo ra những công việc có mức lương cao, củng cố vị trí dẫn đầu kinh tế toàn cầu, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch”, Bộ trưởng DOE Jennifer M. Granholm cho biết.
Khoản tài trợ 3 tỉ USD đánh dấu vòng tài trợ thứ hai theo Luật Cơ sở hạ tầng năm 2021. Trước đó hồi tháng 7, chính quyền Biden đã tài trợ 1,8 tỉ USD cho 14 dự án được phân bổ trên toàn quốc. Vòng tài trợ thứ hai có giá trị gần gấp đôi so với vòng đầu tiên, tuy nhiên con số 3 tỉ USD vẫn ít hơn dự kiến do một số dự án bị rút hoặc từ chối trong quá trình đàm phán.
Theo bà Jennifer M. Granholm, không có gì khó khăn hơn cho ngành công nghiệp sản xuất nhưng còn hơn là mất việc làm vào tay các đối thủ nước ngoài. Bà khẳng định ngay cả khi các đối thủ nặng ký như Trung Quốc đầu tư mạnh vào xe điện thì các khoản tài trợ liên bang sẽ “đảm bảo ngành công nghiệp ô tô của Mỹ vẫn có khả năng cạnh tranh”.
Bên cạnh đó, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Lael Brainard khẳng định Tổng thống Joe Biden sẽ không ngừng nỗ lực để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Các khoản tài trợ sẽ đưa nước Mỹ tới gần mục tiêu của chính quyền Biden hiện tại là xây dựng chuỗi cung ứng toàn diện cho pin và các khoáng sản quan trọng tại Mỹ. Bà Brainard nhấn mạnh sáng kiến trên rất cần thiết để giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt này.
Giá xe điện Trung Quốc vẫn hời
Theo bà Brainard, Trung Quốc đã thâu tóm thị trường tinh chế và chế biến các khoáng sản như lithium (nguyên liệu để sản xuất pin xe điện), các nguyên tố đất hiếm và gallium, đồng thời cũng thống trị ngành sản xuất pin. Chính điều này đã khiến Mỹ và các đồng minh dễ tổn thương hơn khi phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Do đó, Washington hồi tuần trước đã phản ứng lại bằng cách tăng thuế đối với các mặt hàng khoáng sản quan trọng nhập khẩu từ Trung Quốc như than chì – vốn được sử dụng trong ngành sản xuất xe điện. Ngoài ra, Tổng thống Biden đã công bố mức thuế mới tăng gấp bốn lần, tương đương 100%, đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5 nhằm bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong nước, theo tờ New York Times.
Các chuyên gia nhận định ngành sản xuất Trung Quốc nói chung và xe điện Trung Quốc nói riêng luôn là một trong những mối quan tâm lớn của Mỹ. Không chỉ riêng ông Biden, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ xem xét áp mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này nếu ông quay trở lại Nhà Trắng vào cuối năm nay.
Theo báo The Diplomat, việc áp mức thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc báo hiệu thời điểm quan trọng trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung. Mức thuế mới có thể đem lại hiệu quả tạm thời bằng cách bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài, nhưng không giải quyết được các nguyên nhân gốc rễ làm suy yếu khả năng cạnh tranh lâu dài của xe điện Mỹ.
Không chỉ vậy, bất chấp mức thuế cao không tưởng, một số xe điện của Trung Quốc vẫn rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Cụ thể, giá thấp nhất của một chiếc xe điện BYD xuất khẩu sang Mỹ là 12.000 USD, ngay cả khi áp mức thuế 100% thì chiếc xe điện này vẫn có giá dưới 24.000 USD – mức giá gần như thấp nhất thị trường.
Trong khi đó, một chiếc xe điện Tesla – hãng xe điện hàng đầu của Mỹ – thường khó có giá dưới 30.000 USD. Ông Joe McCabe – giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu AutoForecast Solutions (Mỹ) – nhấn mạnh các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có vẻ như không quá quan tâm đến lợi nhuận trong ngắn hạn.
Theo báo Nikkei Asia, một trong những vấn đề dẫn tới mức giá xe điện của các nhà sản xuất Mỹ thiếu cạnh tranh đến từ pin – bộ phận chiếm 30% chi phí xe điện. Mỹ dường như khá chậm chạp trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào pin Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do chính quyền Biden ngày 20-9 công bố khoản tài trợ mới nhất 3 tỉ USD vào lĩnh vực pin.
Ngoài ra, giới quan sát quốc tế đánh giá Washington đã chậm chân so với đối thủ trong việc phát triển chuỗi cung ứng xe điện. Trong khi đó, Bắc Kinh lại chú trọng thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện suốt hơn một thập niên qua với mức đầu tư hơn 230 tỉ USD, theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, có trụ sở tại Mỹ) hồi tháng 6.
Châu Âu mềm mỏng hơn với Trung Quốc
Cả Mỹ và châu Âu đều muốn bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của họ khỏi sự cạnh tranh từ xe điện Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Washington dùng “búa tạ” thì Brussels lại sử dụng các biện pháp mềm mỏng hơn. Để hạn chế sự gia tăng ồ ạt của xe điện Trung Quốc, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố mức thuế mới đối với mặt hàng nhập khẩu này vào tháng 7-2024.
Sau cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc của Liên minh châu Âu, mức thuế mới đối với mặt hàng này sẽ dao động từ 26 – 48% dựa trên khoản trợ cấp mà Chính phủ Trung Quốc dành cho từng nhà sản xuất xe điện theo số liệu điều tra của EC.