Nhiều chuyên gia đã đề xuất như vậy khi việc tính điểm bằng lái được áp dụng từ ngày 1-1-2025, thời điểm mà Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực.
Theo luật này, mỗi tài xế có 12 điểm/năm trong giấy phép lái xe. Chạy ẩu, vi phạm… sẽ bị trừ điểm. Nếu hết điểm, tài xế sẽ không được lái xe trong một thời gian nhất định và phải thi lại.
Bảo hiểm người lái, tính phí theo xe
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia bảo hiểm cho biết tại nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt các nước Âu – Mỹ, điểm trên bằng lái của tài xế là căn cứ quan trọng để tính phí bảo hiểm, tức là người có điểm vi phạm cao sẽ chịu phí bảo hiểm cao hơn, nhằm tạo sự công bằng giữa người lái xe cẩn thận và người thường xuyên phóng nhanh vượt ẩu.
Trong khi tại Việt Nam, khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) cho chủ xe cơ giới, chỉ cần đưa ra cà vẹt xe.
“Bảo hiểm của tài xế nhưng lại bán dựa vào chiếc xe (số chỗ, độ cũ mới…), chứ không dựa vào người lái. Trong khi chuyện phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm giao thông là do người điều khiển, chưa kể tài xế nay đi xe này mai đi xe khác”, vị này nói.
Theo ông Trần Nguyên Đán, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, cùng với việc tính điểm bằng lái xe được áp dụng khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, cần lấy điểm trên bằng lái xe của tài xế để làm cơ sở tính phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới nhằm tạo sự công bằng giữa người lái xe cẩn thận và người lái ẩu, giảm thiểu các rủi ro trên đường.
“Khi một người có điểm giao thông thấp, xác suất gây tai nạn sẽ cao hơn, khả năng bồi thường tăng, nên mức phí bảo hiểm cao là hợp lý.
Ngược lại, những người điều khiển xe cẩn thận và an toàn, giữ tốt điểm trong bằng lái xe, không hoặc ít có yêu cầu bồi thường, tức điểm tín nhiệm tốt trong mắt nhà bảo hiểm, cần được giảm phí hoặc nâng mức bảo vệ”, ông Đán nói.
Cũng theo ông Đán, cần kết nối dữ liệu giữa Bộ Tài chính và cơ quan công an để tạo sự rõ ràng và đồng bộ về mức phí. Điều này cũng hạn chế trường hợp tài xế lái xe ẩu, gây tai nạn nhiều lần sẽ thăm dò giá của nhiều công ty bảo hiểm khác nhau để mua bảo hiểm với giá rẻ hơn và tiếp tục vi phạm.
Nếu tính phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới dựa vào điểm trên bằng lái xe, cần đưa ra mức phí chênh lệch lớn, phân hóa mạnh, tạo khoảng cách rõ rệt để người lái xe cẩn thận được khuyến khích, người phóng nhanh vượt ẩu biết e sợ và sửa đổi hành vi.
“Tại nhiều quốc gia Âu – Mỹ, mức chênh lệch phí bảo hiểm này rất cao nhưng không áp dụng suốt đời mà tạo cơ hội để tài xế “gỡ” điểm”, ông Đán cho biết.
Chỉ mới khuyến khích, chưa thể áp dụng?
Theo các chuyên gia bảo hiểm, nghị định 67 có hiệu lực gần một năm nay, trong đó quy định mức tăng/giảm tối đa 15% phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới dựa trên lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe, lịch sử gây tai nạn của chủ xe.
Dù không “cào bằng” như trước nhưng phạm vi còn hẹp và mức chênh lệch từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng nên chưa mang tính răn đe cao.
Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn ủng hộ cơ chế tính phí bảo hiểm dựa trên điểm của bằng lái xe nhưng thừa nhận khó đơn vị nào làm được theo cơ chế hiện tại.
“Nếu muốn áp dụng cơ chế này, phải thay đổi cả quy trình” – vị này nói nhưng cho biết nhiều công ty bảo hiểm cũng tung ra các chính sách, áp dụng công nghệ để khuyến khích khách hàng lái xe an toàn.
Chẳng hạn, Bảo hiểm Bảo Việt đã phát triển ứng dụng công nghệ theo dõi hành vi tài xế, chấm điểm sau mỗi chuyến xe dựa vào 5 tiêu chí – gồm tốc độ ổn định, độ rung lắc của xe khi di chuyển, thời điểm lái trong ngày, độ dài chuyến đi và tần suất sử dụng điện thoại trong suốt hành trình.
“Qua đó, khách hàng có thể nhận được các mức thưởng khác nhau, ưu đãi lên đến 20% phí bảo hiểm năm. Hoàn tiền ngay trong 30 ngày kể từ lúc kết thúc hợp đồng bảo hiểm vật chất ô tô” – vị này nói và cho biết nhiều hãng xe nổi tiếng như Tesla, BMW, Mercedes-Benz… cũng tích hợp phần mềm tương tự trong các dòng xe cao cấp nhằm góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến các vi phạm tốc độ, lạng lách đánh võng…
Bảo hiểm BIC cũng dành ưu đãi giảm ngay 15% phí tái tục bảo hiểm TNDS xe ô tô khi khách hàng không có tổn thất trong một năm gần nhất trước thời điểm tái tục.
Bảo hiểm số OPES tặng điểm thưởng, quy đổi tương đương từ 5 – 15% phí bảo hiểm bình quân/tháng, dựa trên hành vi lái xe an toàn, sau khi khách hàng mua bảo hiểm vật chất xe ô tô và áp dụng công nghệ để đánh giá.
Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Thuý Vy (42 tuổi, TP.HCM), các công ty bảo hiểm cũng phải tích cực hỗ trợ khách hàng bởi mua bảo hiểm với phí thấp hay cao gì cũng là tiền.
“Khi có sự cố xảy ra, công ty không được gây khó dễ, phải giải quyết bồi thường một cách nhanh chóng để khách hàng còn có niềm tin chứ đừng để khách mua bảo hiểm chỉ nhằm đối phó với cảnh sát giao thông”, chị Vy nói.
Áp dụng với bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất tính phí bảo hiểm dựa vào điểm của bằng lái, ông Đỗ Hồng Sơn – giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam – cho biết đây là một đề xuất cần được nghiên cứu nghiêm túc và xem xét đưa vào thử nghiệm.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, chỉ nên áp dụng với bảo hiểm tự nguyện, bởi loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới áp dụng khi một người điều khiển xe cơ giới gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của một bên khác.
“Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới chỉ tính phí bảo hiểm theo loại xe chứ không thể biết ai là người sẽ điều khiển chiếc xe đó nên không thể tính phí theo lỗi của người điều khiển được”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, có đến 70% xe tham gia bảo hiểm vật chất xe nên việc áp dụng tính phí theo tính điểm với bảo hiểm vật chất xe là khả thi. Tuy nhiên, nếu áp dụng với tự nguyện, một số trường hợp thấy phí trả quá cao vì điểm bị trừ quá nhiều rồi sẽ không mua nữa, ảnh hưởng đến doanh số các hãng.
Trong khi đó, ông Phan Phương Nam – phó khoa luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM – lại cho rằng việc tính điểm với bảo hiểm nên được áp dụng trước với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm đánh vào ý thức người chạy xe. Khi đó, người lái xe phải “trả giá” cao hơn nếu vi phạm giao thông, gây mất an toàn cho người khác.
Với bảo hiểm tự nguyện, theo ông Nam, nên trao quyền cho các doanh nghiệp tự xem xét, cân nhắc.
“Bởi khi bán bảo hiểm, các doanh nghiệp cũng cần có những tính toán phù hợp. Nếu trường hợp khách hàng có thể gây rủi ro, doanh nghiệp có thể từ chối cung cấp sản phẩm dịch vụ”, ông Nam nói nhưng thừa nhận việc áp dụng với bảo hiểm bắt buộc cũng sẽ phát sinh nhiều phức tạp.
Chẳng hạn như doanh nghiệp sẽ tiếp cận cơ sở dữ liệu thế nào để nắm được điểm trừ trong thang điểm 12 của khách hàng hay khách hàng phải tự cung cấp sau khi lấy xác nhận từ phía cơ quan chức năng.
“Nếu doanh nghiệp được phép tự tiếp cận, có lo việc lộ lọt hay xâm phạm trái phép thông tin khách hàng không?”, ông Nam đặt vấn đề.
Nhiều nước tăng phí bảo hiểm xe theo số điểm vi phạm
Nhiều bang ở Mỹ sử dụng hệ thống tính điểm để theo dõi các vi phạm giao thông của một cá nhân cũng như đánh giá mức độ nghiêm trọng của mỗi vi phạm.
Theo đó, bằng lái xe của một cá nhân nào đó sẽ bị ghi nhận điểm vi phạm an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ… Nhiều bang cũng sẽ đình chỉ giấy phép lái xe nếu người sở hữu có số điểm vi phạm tích lũy đến một mức nhất định.
Số điểm cho mỗi vi phạm và ngưỡng đình chỉ giấy phép lái xe sẽ khác nhau ở từng bang. Ví dụ một vé phạt cho lỗi chạy quá tốc độ ở bang New York sẽ có thể bị ghi nhận từ 3 – 11 điểm, tùy vào mức độ vi phạm. Lái xe bất cẩn hoặc nhắn tin trong khi lái xe có thể khiến tài xế bị ghi nhận 5 điểm vi phạm.
Các điểm vi phạm này sẽ không trực tiếp ảnh hưởng đến mức phí bảo hiểm của chủ xe, vì các công ty bảo hiểm tại Mỹ không tính số điểm vi phạm trên giấy phép lái xe vào phí bảo hiểm nhưng xem xét các vi phạm hoặc tai nạn được ghi nhận lại trong hồ sơ.
Mức bảo hiểm xe được xác định dựa trên một số yếu tố, trong đó có lịch sử lái xe. Những bằng chứng như vé phạt dẫn đến ghi nhận điểm vi phạm là căn cứ để các công ty bảo hiểm xem xét thói quen lái xe của một cá nhân, đánh giá nguy cơ lái xe gặp tai nạn hay phải bồi thường.
Theo trang Valuepenguin, việc giấy phép lái xe bị ghi nhận điểm vi phạm hầu như luôn khiến mức phí bảo hiểm xe tăng. Tuy nhiên, mức phí tăng còn phụ thuộc vào cách các công ty bảo hiểm cân nhắc loại vi phạm chứ không chỉ là số điểm vi phạm.
Tại bang California, việc không tuân thủ theo tín hiệu đèn giao thông có thể khiến mức phí bảo hiểm tăng 20,2%, trong khi chạy quá tốc độ sẽ khiến phí bảo hiểm tăng 25,6%, dù hai lỗi vi phạm này đều bị tính là 1 điểm vi phạm trên giấy phép lái xe.
Dù cùng là một lỗi vi phạm, mức phí bảo hiểm tăng ở mỗi bang là khác nhau. Tại bang California, 2 điểm vi phạm trên bằng lái vì lỗi lái xe bất cẩn, mức phí bảo hiểm xe tăng 180%. Trong khi cùng một lỗi tương tự ở bang Florida sẽ bị phạt 4 điểm vi phạm, nhưng phí bảo hiểm xe chỉ tăng khoảng 44,5%.
Singapore cũng áp dụng hệ thống tính điểm vi phạm với bằng lái xe. Trang Insurediy khuyến cáo những cá nhân sở hữu xe ở Singapore duy trì một hồ sơ lái xe “sạch” để tiết kiệm tiền bảo hiểm.
Những cá nhân có hồ sơ lái xe “sạch”, tức là chưa từng gặp tai nạn hoặc bị phạt vì vi phạm giao thông, thường được giảm phí từ các công ty cung cấp bảo hiểm.