Cuộc hội đàm này thắp lên hy vọng cho hòa bình ở Ukraine khi Trung Quốc được coi là quốc gia “thân thiết” với cả hai bên trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Đáng chú ý khi địa điểm gặp mặt lần này lại ở Quảng Châu, một thành phố cấp 2 của Trung Quốc, thay vì tại thủ đô Bắc Kinh hay tại một thành phố trực thuộc trung ương.
Điều này khiến ý nghĩa biểu tượng của cuộc hội đàm như một nền tảng quan trọng để khởi đầu cho những đối thoại hòa bình tiếp theo phần nào cũng bị giảm sút.
Vị thế của Trung Quốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết chuyến thăm của ông Kuleba là do phía Trung Quốc khởi xướng. Trước cuộc hội đàm này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Ukraine và Trung Quốc tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác “bất chấp tình hình khu vực, quốc tế phức tạp và luôn thay đổi”.
Dù tuyên bố có “mối quan hệ không giới hạn” với Nga, nhưng Trung Quốc luôn thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột, và luôn khẳng định cách duy nhất để chấm dứt tình trạng này là đưa cả Ukraine và Nga vào bàn đàm phán.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương cho biết Trung Quốc luôn cam kết kiên quyết ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng và sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Vương nhấn mạnh: “Trung Quốc tin rằng việc giải quyết mọi xung đột cuối cùng phải bắt đầu bằng việc quay lại bàn đàm phán và việc giải quyết mọi tranh chấp phải đạt được thông qua các biện pháp chính trị”.
Nhưng mọi thứ vẫn còn ở vạch xuất phát.
Thật ra không phải là Nga và Ukraine đã không có các cuộc đàm phán ngoại giao ngay sau khi cuộc chiến nổ ra, nhưng chúng đều đã đổ vỡ vì một loạt yêu sách không hợp lý. Ukraine và phương Tây sau đó cũng đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm mang lại hòa bình nhưng vẫn dừng lại ở việc viện trợ cho Kiev duy trì cuộc chiến thay vì đưa ra một giải pháp chính trị cho hòa bình ở Ukraine.
Bắc Kinh còn thận trọng
Tháng trước, Tổng thống Ukraine Zelensky đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock (Thụy Sĩ) nhằm thu hút sự ủng hộ quốc tế về một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine. Hội nghị này đã thu hút khoảng 100 phái đoàn từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế nhưng Nga không được mời và Trung Quốc đã từ chối tham dự.
Ông Vương Nghị lúc đó nêu quan điểm: “Có rất nhiều hội nghị thượng đỉnh trên thế giới hiện nay. Việc có tham gia hay không và tham gia như thế nào, Trung Quốc sẽ tự quyết định theo quan điểm của mình”.
Quan điểm của Trung Quốc khá rõ ràng là hội nghị để chấm dứt xung đột Ukraine và Nga cần có cả hai bên tham gia. Ngoài ra Trung Quốc nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong lợi ích địa chiến lược và địa kinh tế với cả Nga và Ukraine nên họ không muốn tham gia một hội nghị mà họ không phải là người dẫn dắt. Bắc Kinh dĩ nhiên mong muốn thể hiện và duy trì vị thế ngoại giao toàn cầu của mình.
Hôm 24-7, ở Quảng Châu, Ngoại trưởng Kuleba nhắc lại lập trường nhất quán của Ukraine rằng họ sẵn sàng đàm phán với Nga ở một giai đoạn nào đó, khi Nga sẵn sàng đàm phán với thiện chí, nhưng nhấn mạnh rằng hiện tại phía Nga không có sự sẵn sàng đó.
Còn Matxcơva cho rằng phát biểu của ông Kuleba dường như phù hợp với quan điểm của Nga, nhưng cần thêm chi tiết để đánh giá những gì đang được đề xuất.
Ông Vương Nghị vẫn còn dè dặt trước việc “bật đèn xanh” quay lại bàn đàm phán ngoại giao của cả Nga và Ukraine. Ông phát biểu: “Gần đây cả Nga và Ukraine đều phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán ở các mức độ khác nhau. Dù điều kiện và thời điểm chưa chín muồi nhưng chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực đóng góp cho hòa bình”.
Kể từ khi xung đột xảy ra vào tháng 2-2022 tại Ukraine, Trung Quốc đã tự coi mình là bên kiến tạo và hòa giải hòa bình quan trọng cho Ukraine. Bắc Kinh đã đưa ra quan điểm của họ về hòa bình cho Ukraine bao gồm 12 điểm vào năm 2023 và một đồng thuận sáu điểm với Brazil hồi tháng 5 vừa qua, kêu gọi đàm phán để cuối cùng dẫn đến ngừng bắn.
Trong đó, Trung Quốc kêu gọi duy trì “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”, đồng thời ủng hộ đàm phán hòa bình và chấm dứt thù địch. Tuy nhiên Trung Quốc chưa bao giờ lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Ngoài ra, bất chấp việc Bắc Kinh tự coi mình là nhà hòa giải trung lập, Trung Quốc vẫn bị phương Tây coi là bên đã cung cấp huyết mạch kinh tế để Nga tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.
Một điểm nữa trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Kuleba lần này là vận động các quan chức Trung Quốc tham dự một hội nghị thượng đỉnh hòa bình khác được tổ chức ở một quốc gia Nam bán cầu vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ đồng ý tham dự hội nghị nếu Nga không được mời. Bắc Kinh sẵn sàng đứng giữa hòa giải nhưng chỉ khi Matxcơva thấy sẵn sàng.