Vụ sạt lở gây chết người, nhà ga phải sơ tán khẩn cấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Linh – trưởng ga Lâm Giang (xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) – cho biết khoảng 5h sáng 10-9, đất đá từ vách núi sạt lở tràn qua đường tỉnh 164 phía trên ga và tiếp tục tràn xuống đường ray.
Vụ sạt lở làm một nhà dân gần ga Lâm Giang sập hoàn toàn, nữ chủ nhà tử vong. Một nhân viên trực ban chạy tàu của ga Lâm Giang trong lúc kiểm tra thiết bị cũng bị vùi lấp đến ngực. Các nhân viên nhà ga cứu kịp, đưa đến Trung tâm Y tế huyện Văn Yên chữa trị trong tình trạng gãy xương sườn.
Do khối sạt lở tiếp tục uy hiếp nhà ga nên toàn bộ hệ thống thông tin, thiết bị của ga Lâm Giang được chuyển xuống nhà điều hành chạy tàu nằm cách đó hơn 100m để đảm bảo chạy tàu. Đồng thời ga bố trí người cảnh giới theo dõi sạt lở…
Theo ước tính của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC), cung sạt phía trên đường tỉnh 164 dài khoảng 200m, cao 120 – 130m, khối lượng đất đá đã sạt lở xuống đường bộ và phạm vi ga Lâm Giang khoảng 20.000m3.
Tuy nhiên, do đường tỉnh 164 đang có nhiều vị trí sạt lở lớn, tắc đường đến khu vực ga Lâm Giang nên Sở Giao thông vận tải Yên Bái chưa xử lý được khối lượng đất đá sạt lở tại đường bộ phía trên ga.
Khối lượng sạt lở từ đường tỉnh 164, trên vách núi chưa được thanh thải vẫn uy hiếp nhà ga nên chưa đảm bảo an toàn.
Trong thời gian chờ phối hợp với Sở Giao thông vận tải Yên Bái xử lý khối lượng sạt lở trên đường tỉnh 164, tạm thời Tổng công ty Đường sắt chỉ chạy tàu hàng qua đây. Còn tàu khách tuyến Hà Nội – Lào Cai vẫn chưa khai thác trở lại vì nguy cơ sạt lở còn cao, nhất là nếu có mưa trở lại.
Tính giải pháp di dời nhà ga Lâm Giang tới vị trí mới
Báo cáo tại cuộc kiểm tra hiện trường ga Lâm Giang, đơn vị tư vấn đề xuất trước mắt dùng lưới thép cường độ cao kết hợp neo vào ta luy nhằm thông đường số 1 của ga Lâm Giang sớm. Bởi vì việc dọn khối lượng sạt lở trên cần nhiều thời gian.
Tuy nhiên ông Hoàng Gia Khánh – tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – đề nghị cần dọn sạch khối lượng sạt lở để xác định nền đường tỉnh 164 và ta luy dương sau ga Lâm Giang có bị dịch chuyển không. Từ đó có phương án xử lý phù hợp, tổng thể. “Nếu có mưa tiếp sẽ tạm dừng chạy tàu, nhất là tàu khách, vì nguy cơ sạt lở rất cao”, ông Khánh nói.
Qua kiểm tra hiện trường và nghe ý kiến các đơn vị, ông Trần Thiện Cảnh – cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam – cho biết: “Năm 2017 từng xảy ra sạt lở dài 100m khu vực phía nam nhà ga Lâm Giang, đẩy 4 toa tàu chở hàng xuống sông Hồng. Bộ Giao thông vận tải đã xử lý cả ta luy dương và ta luy âm và đoạn này đã ổn định. Tuy nhiên mưa từ bão số 3 lại làm sạt lở phạm vi rộng ngay trung tâm nhà ga, ảnh hưởng an toàn khai thác qua đây cũng như tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai nói chung”.
“Trước mắt, các đơn vị cần thanh thải bớt đất đá ở khu vực mái ta luy dương có nguy cơ sạt lở tiếp xuống nhà ga để đảm bảo chạy tàu, rồi thông tuyến đường bộ phía trên.
Với mái dốc bị sạt lở cao trên 5m không còn chân nữa, nguy cơ sạt lở sẽ rất cao nếu tiếp tục có mưa. Giải pháp trước mắt phải thanh thải, cắt cơ các vết nứt để giảm độ dốc.
Tiếp đó, phải khảo sát địa chất, địa hình thật kỹ để có giải pháp xử lý đảm bảo bền vững lâu dài như: phủ mái sạt bằng lưới thép cường độ cao; trồng cỏ, kết hợp khung bê tông với neo sắt để gia cố. Với nhà ga và các đơn vị tác nghiệp chạy tàu, chúng tôi dự kiến xây dựng phía bờ sông Hồng đối diện nhà ga hiện tại”, ông Cảnh cho biết thêm.