Hội thảo khoa học quốc gia “Nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm” năm 2024, diễn ra ngày 9-10, tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM). Nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức chia sẻ nhiều giải pháp đổi mới, góc nhìn về nông sản và thực phẩm Việt Nam; cũng như kết nối hợp tác các dự án nông nghiệp.
Khoa học công nghệ có tác động lớn đến chuỗi giá trị nông sản
Để hướng đến nông nghiệp bền vững, theo ông Nguyễn Duy Lâm, chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chia sẻ tại hội thảo, việc làm nông nghiệp hữu cơ, cũng là nông nghiệp xanh; rồi làm nông nghiệp xanh chú trọng nông nghiệp tuần hoàn, cùng đích đến: nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, ông Lâm bày tỏ 2 băn khoăn về khái niệm “hệ thống thực phẩm bền vững” và móc xích của khoa học công nghệ ở đâu trong chuỗi giá trị nông sản bền vững”.
Ông Lâm nói hệ thống thực phẩm bền vững, tức là mục tiêu an ninh lương thực và cả dinh dưỡng, phúc lợi xã hội… Ông Lâm đặt câu hỏi hệ thống này ở Việt Nam tới đâu rồi, nó liên quan đến nông nghiệp bền vững ở mức độ nào?
“Về chuối giá trị nông sản an toàn bền vững, Việt Nam đã có chuỗi 10 năm nay, bao gồm đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và bán ra thị trường hoặc xuất khẩu.
Trong chuỗi giá trị nông sản này, không có móc xích nào có chủ thể là nhà khoa học công nghệ, nhưng khoa học công nghệ có tác động rất lớn đến chuỗi.
Khi gắn đuôi “an toàn bền vững” thì vai trò khoa học công nghệ càng to lớn. Tôi băn khoăn có phải chúng ta hay do khoa học công nghệ chưa làm tốt điều này, chưa nghiên cứu theo chuỗi đầy đủ, chưa phân công hợp tác… giữa các đơn vị tiềm năng như cách vận hành của một chuỗi”, vị này nhấn mạnh
Tận dụng phế phụ phẩm: Xơ mít làm rượu vang, bột hạt sầu riêng làm bánh…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm tạo ra một lượng lớn phế phụ phẩm chưa được tận dụng hiệu quả, trong khi những nguyên liệu này có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.
Do đó, tại hội thảo, các nhà khoa học, doanh nghiệp cho rằng tận dụng phế phụ phẩm và phát triển nguồn nguyên liệu là xu hướng mới.
Chẳng hạn các nhà khoa học đến từ các trường đại học ở Cần Thơ, TP.HCM giới thiệu những nghiên cứu thành công trong chế biến trái cây khi tận dụng phụ phẩm chất xơ trái cam sành; cải thiện chất lượng xơ mít Thái, phát triển rượu vang từ xơ mít…
Ngoài ra, chiết tinh bột từ hạt sầu riêng để làm bánh snack; nâng dinh dưỡng bánh phở từ gạo màu bằng bột biến tính; sản xuất trà đóng chai từ vỏ quả cà phê, hoặc trà túi lọc từ đế nấm đông trùng hạ thảo… được các doanh nghiệp quan tâm, vì nâng giá trị nông sản Việt Nam.