Theo truyền thông Hàn Quốc, nhà ngoại giao Triều Tiên này tên là Ri Il Kyu, 52 tuổi. Đây là nhà ngoại giao Triều Tiên có cấp bậc cao nhất trốn sang Hàn Quốc kể từ năm 2016.
Trước khi đào tẩu, ông Ri Il Kyu chia sẻ với tờ báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc rằng ông làm vị trí cố vấn tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Cuba.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin không nêu tên từ Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa tin về việc ông Ri đã đào tẩu sang nước này.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các vấn đề liên Triều, từ chối bình luận vì lý do bảo mật.
Theo Chosun Ilbo, một trong những nhiệm vụ của ông Ri Il Kyu tại đại sứ quán là ngăn chặn Hàn Quốc và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, vào tháng 2 vừa qua, hai quốc gia này đã thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ri Il Kyu cho biết ông đã bay ra khỏi Cuba cùng gia đình nhưng không tiết lộ thêm về cách thức thực hiện cuộc đào tẩu nguy hiểm này.
“Tôi đã mua vé máy bay và gọi cho vợ và con để thông báo về quyết định của mình, sáu giờ trước khi đào thoát. Tôi không nói đến Hàn Quốc, mà chỉ nói hãy sống ở nước ngoài”, ông Ri Il Kyu kể.
Theo các nhóm nhân quyền và những người đào tẩu thành công, những người Triều Tiên bị bắt khi cố gắng rời đi sẽ đối mặt với hình phạt nặng nề, bao gồm cả tử hình.
Số người Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc đã giảm trong những năm gần đây do giới hạn nghiêm ngặt ở biên giới với Trung Quốc và phí môi giới cao.
Năm ngoái, chỉ có 196 người Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc, giảm từ con số cao nhất là 2.700 người của một thập kỷ trước, theo dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc.
Hầu hết những người rời đi gần đây đã sống ở nước ngoài từ lâu, như nhà ngoại giao Ri Il Kyu.
Chi tiết về các vụ đào tẩu của người Triều Tiên thường mất vài tháng mới được công khai, do họ được các cơ quan chức năng kiểm tra và trải qua một khóa học giáo dục về xã hội và hệ thống của Hàn Quốc.
Ông Ri Il Kyu gia nhập Bộ Ngoại giao Triều Tiên vào năm 1999. Ông nhận được lời khen từ nhà lãnh đạo Kim Jong Un vì đã thành công trong việc đàm phán với Panama để giải phóng một tàu Triều Tiên bị bắt giữ vì chở vũ khí từ Cuba vào năm 2013.
Ông Ri cho biết đã quyết định đào tẩu vì công việc không được đánh giá công bằng.
Ri Il Kyu nói ông đã ra quyết định cuối cùng sẽ đào tẩu khi yêu cầu đi Mexico để điều trị y tế của ông bị Triều Tiên từ chối vào năm ngoái.
Vụ đào tẩu nổi tiếng gần đây nhất sang Hàn Quốc là của ông Tae Yong Ho, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Vương quốc Anh, vào năm 2016.
Ngày 14-7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã hứa sẽ hỗ trợ tài chính tốt hơn cho những người Triều Tiên đào tẩu và ưu đãi thuế cho các công ty tuyển dụng họ.