Chuỗi đào tạo “Nâng cao kiến thức về trí tuệ nhân tạo và ứng dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” đang được khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) tổ chức từ hôm nay kéo dài đến 3-11, được tài trợ bởi Viện FNF (Đức), thu hút nhiều chuyên gia tài chính và công nghệ thông tin đứng lớp, học viên gồm hơn 100 doanh nhân.
98% doanh nghiệp Việt có quy mô vừa và nhỏ, tận dụng trí tuệ nhân tạo tăng hiệu quả kinh doanh
Ông Đỗ Quốc Anh – phó chủ tịch hội đồng trường UEF – cho biết nếu trước kia nhiều người vẫn hoài nghi về trí tuệ nhân tạo (AI), thì hiện nay hàng loạt tổ chức lớn đã ứng dụng và mang lại hiệu quả cao, nổi bật như: mạng xã hội Facebook, sàn thương mại điện tử Amazon, nền tảng kết nối cho thuê nhà Airbnb…
Công nghệ này cũng đang hỗ trợ đắc lực cho việc kinh doanh của không ít doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn.
Đối với Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỉ lệ tới 98% trong tổng cơ cấu, tương ứng gần 930.000 đơn vị đang hoạt động.
Nhóm này là trụ cột chính tạo ra GDP, bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. “Lực lượng quan trọng nhất tạo ra của cải vật chất, làm cho kinh tế chuyển động”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Quản lý dự án thuộc Viện FNF (Đức), bà Lê Thị Thu Trang chia sẻ trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển công nghệ 4.0, phía viện nhận thấy rằng: “Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số, cải thiện năng suất lao động, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và cộng đồng”.
Chuỗi đào tạo nâng cao kiến thức và ứng dụng về trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, tiếp cận công nghệ tiên tiến, tạo nên tăng trưởng và phát triển bền vững. Không chỉ biết kiến thức, doanh nghiệp còn biết cách triển khai ngay vào thực tế.
TS Ngô Minh Vũ – giảng viên cao cấp, khoa ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) – cho biết trí tuệ nhân tạo có khả năng học và rút kinh nghiệm rất nhanh, hỗ trợ tốt nhiều khâu về quảng cáo, truyền thông, kế toán, quản lý và quản trị doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng…
Mặc dù rất nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ bày tỏ mong muốn ứng dụng công nghệ này ngay tức khắc. Tuy nhiên còn lo lắng về thiếu hụt hạ tầng, nguồn lực chất lượng cao, các doanh nghiệp rất cần người hỗ trợ để hiểu rõ, dùng tốt.
Nên đầu tư bao nhiêu?
Có kinh nghiệm hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) – chia sẻ dựa vào nhu cầu, quy mô và năng lực, doanh nghiệp cân đối chi phí đầu tư cho công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Chẳng hạn đối với một ngân hàng lớn, riêng đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin (IT) nội bộ đã lên tới 700-800 người. Ngân hàng sẵn sàng đổ thời gian, công sức và vốn lớn để xây dựng ứng dụng trí tuệ nhân tạo riêng cho mình, không thuê bên ngoài, mang tính tự chủ cao.
Tuy nhiên, cũng không nên thần thánh hóa rằng tất cả doanh nghiệp phải bỏ số tiền lớn mới ứng dụng tốt trí tuệ nhân tạo. Đối với công ty nhỏ, nhu cầu không quá lớn, nếu một số ứng dụng có sẵn trên thị trường đã đáp ứng nhu cầu rồi, thì chỉ cần thuê với chi phí vài triệu đồng mỗi tháng, hạn chế tốn kém so với tự xây nền tảng, ứng dụng mới.
TS Ngô Minh Hải – phó hiệu trưởng kiêm trưởng khoa kinh tế (UEF) – nhận định để phát triển trong kinh doanh, doanh nghiệp cần đầu tư vào ba yếu tố: con người – công nghệ – hệ thống. Trong thời đại thế giới thay đổi, công nghệ luôn luôn cải tiến, doanh nghiệp chỉ có lựa chọn cập nhật hoặc bị đào thải.
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyên gia cho rằng các công ty cần chuẩn bị: nhân lực, hạ tầng, chiến lược, quy trình kinh doanh. Phải quản trị được sự thay đổi, dùng ít chi phí nhưng tồn tại thời gian dài.