Sau khi được đưa vào các đô thị lớn, nhiều loại nông sản quê bị đội giá gấp 10 lần giá ở quê do tâm lý thích nông sản quê, sản phẩm sạch.
Kiếm tiền triệu mỗi ngày với nông sản quê
Khoảng hai năm trước, mỗi tháng hai lần, bà Nguyễn Thị Sáu (tỉnh Quảng Ngãi) gửi thùng đồ gồm rau củ và thịt cá cho gia đình con gái đang sống tại một chung cư ở quận 12 (TP.HCM). Ban đầu chỉ để người nhà dùng, nhưng hàng xóm đề nghị “chia lại” để ăn thử, rồi các “sản phẩm quê” này lan truyền cả chung cư.
“Thế là chuyện bán hàng quê ở TP của tôi bắt đầu. Cứ ba ngày sẽ có thùng hàng nông sản, cá thịt tầm 30kg được gửi xe khách chuyển vào và ship tận nơi. Trước khi nhận hàng, tôi đã rao Facebook ai ăn gì mua gì để mẹ tôi ở quê gom hàng” – chị Vũ Thị Thoa, con gái bà Sáu, kể lại.
Mức giá bán ra sau khi “qua một đường xe chạy” tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, khổ qua ở quê chỉ có giá 15.000 – 20.000 đồng/kg nhưng vào đến TP được bán 40.000 – 50.000 đồng/kg; hoặc cà chua cũng tăng lên khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg; cải bẹ xanh, cải ngọt, rau dền, rau lang… cũng được bán với giá gấp 3 – 4 lần so với giá thu gom ở vườn, ở chợ quê.
“Có loại ít khi gặp, chẳng hạn bắp chuối hột. Bình thường mua ở quê 30.000 – 40.000 đồng/bắp nhưng khách đặt phải bắp chuối nhà quê, thêm hình ảnh chụp đốn ngã cây chuối, tôi bán 200.000 – 300.000 đồng, gấp gần 10 lần khách vẫn mua”, chị Thoa kể.
Trừ chi phí xe cộ khoảng 500.000 đồng/chuyến, cứ ba ngày bán hết thùng hàng, chị Thoa lời được tiền triệu.
Tương tự, thấy nhiều người bán nông sản quê trên mạng, chị Lê Thị Sa (một tỉnh miền Trung) bỏ xe hủ tiếu đang kinh doanh để chuyển sang chăm sóc “cửa hàng” trên Facebook của mình với các món quê của cả ba miền như chả Bắc và bánh dân gian các loại, vịt quê thả đồng, gà chân đen, bánh xèo Quảng Ngãi, bánh ít Lý Sơn, nhút mít Hà Tĩnh, nấm mối Bến Tre…
“Tôi bán đầy đủ nông sản ở khắp cả nước, nhưng chủ yếu đồ quê giản dị chứ không phải sơn hào mỹ vị. Mối lấy hàng là bạn bè ở quê, ở mọi miền, giới thiệu nhau qua lại. Mỗi ngày trúng mánh có khi lời được gần cả triệu đồng”, chị Sa nói.
Với lợi thế nguồn hàng dồi dào và giá rẻ, thực phẩm từ quê nhà được nhiều người đang sống ở TP.HCM vận chuyển lên bán lại kiếm lời. Chẳng hạn trong group Nhóm Chợ Bà Hoa (chợ quê miền Trung tại Sài Gòn) trên mạng có hơn 116.000 người tham gia.
Đa số là người sống ở TP, người ở các tỉnh tham gia vào nhóm và rao bán nông sản ở quê gửi vào. Khách hàng không còn là đồng nghiệp, người quen mà là đông đảo người mua ở khắp mọi miền.
Khó quản lý chất lượng nông sản?
Có nông trại trồng rau sạch ở Củ Chi (TP.HCM), anh Nguyễn Văn Thanh (chủ doanh nghiệp phân phối rau xanh ở TP.HCM) thừa nhận các loại nông sản quê gửi vào các TP lớn ngày càng nhiều, mua cũng rất dễ dàng. Với lượng dân đông ở các TP lớn, nguồn cung đa dạng về thực phẩm, nông sản là hoàn toàn phù hợp.
“Mỗi mặt hàng, mỗi hình thức đều có vị trí nhất định trên thị trường vì có nhiều phân khúc khách hàng. Rau xanh của chúng tôi hay bỏ siêu thị và các bếp ăn công nghiệp, nhưng tôi biết có nhiều người thành công với hình thức tút lại nông sản quê lên đời và lên giá khi bán ở TP”, ông Thanh nhìn nhận.
Theo ông Thanh, nông sản quê “lên đời” từ lúc COVID-19, người dân TP.HCM gặp khó khi mua thực phẩm tươi sống và lo ngại thực phẩm bẩn nên có xu hướng tìm mua và sử dụng thực phẩm quê được nuôi trồng tự nhiên dù giá đắt gấp đôi, gấp ba ngoài chợ. “Từ chuyện tìm rau củ, thực phẩm sạch cho bữa ăn nên giá nông sản không còn rẻ nữa”, ông Thanh nói.
Không chỉ rau củ, thực phẩm quê còn có thịt, cá tươi sống và nhiều loại đồ khô khác… Nhưng ai quản lý chất lượng các loại thực phẩm này? Chị Nguyễn Thị Lan (quê Quảng Ngãi, đang sống ở Q.Tân Phú – TP.HCM) cho hay đầu mối lấy hàng đều là từ cô, dì, chú, bác và một số mối quen bán ở chợ quê, tin nhau chứ không phải chuyên nghiệp mà kiểm định.
Trao đổi về vấn đề quản lý hàng nông sản, thực phẩm quê được kinh doanh online, bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, thừa nhận rất khó quản lý chất lượng, nhất là với các sản phẩm được bán ở “chợ nông sản quê online”, do chưa có quy định cụ thể. Vấn đề quan trọng là ý thức của người tiêu dùng, phải là người tiêu dùng thông minh và chỉ nên mua sản phẩm quê ở những địa chỉ tin cậy.
“Nên mua hàng nơi hợp pháp, có uy tín lâu đời, có nguồn gốc. Hàng hợp pháp là hàng có giấy tờ của cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm định. Còn nông sản quê hay những thực phẩm khác bán lang thang trên mạng rất khó nói. Tôi không nói tất cả đều kém chất lượng, vì chỉ khẳng định kém chất lượng khi thực sự có kết quả kiểm nghiệm. Nhưng buôn bán mà thiếu sự kiểm soát sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ”, bà Lan khuyến cáo.
Hàng trôi nổi được lên đời thành “hàng quê”
Bà Nguyễn Thị Thơ (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) cho biết rất thích ăn nấm. Tại các siêu thị ở TP.HCM có nhiều loại nấm, nhưng nấm mối mọc tự nhiên ở miền Trung khi trời mưa lại rất hiếm vì theo mùa.
“Khi nhỏ ở quê, nấm chỉ đôi ba nghìn là cả rổ. Bây giờ 400.000 – 500.000 đồng/kg vẫn hiếm. Nên cứ canh chợ online hàng quê trên mạng, đắt cỡ nào tôi cũng mua cho được”, bà Thơ nói.
Tuy nhiên, chị N.X.T. (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết khách ở TP thích ăn hàng sạch, đặc biệt là thực phẩm quê, nên chấp nhận mua với giá cao. “Nắm được tâm lý này, nhiều chủ shop online rao bán hàng là hình thật, nhưng khi giao là hàng giả.
Những người này ra chợ đầu mối để mua rau củ về bọc thêm lá chuối rồi rao bán là sản phẩm quê với giá cao. Người đi chợ nhiều nhìn là biết ngay”, chị T. nói.