Nhìn nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho thấy Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1-8-2024) có lợi hơn cho người có đất thu hồi. Mốc thời điểm cuối cùng để tính hỗ trợ đã được kéo dài đến ngày 1-7-2014, thay vì ngày 1-7-2004.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM cần có thêm những chính sách đặc thù, nhất là đối với nhà dân nằm hoàn toàn trên mặt nước kênh, rạch.
Mức hỗ trợ nhà, đất hiện rất thấp
Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM hiện nay quy định mức hỗ trợ cao nhất về đất cho các hộ dân bằng 40% đơn giá đất ở, chỉ tính các trường hợp sử dụng lấn, chiếm từ trước ngày 15-10-1993.
Phần diện tích hỗ trợ không vượt hạn mức giao đất, nếu vượt, phần đất đó được hỗ trợ theo chính sách cho đất nông nghiệp.
Người dân sử dụng từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 chỉ được hỗ trợ bằng 30% đơn giá đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất. Riêng đối với đất nông nghiệp sử dụng trước 15-10-1993 được hỗ trợ 100% giá đất, sau thời điểm này đến trước ngày 1-7-2004 được hỗ trợ 80% giá đất.
Với chính sách này, những hộ dân tạo lập nhà sau ngày 1-7-2004 sẽ không được hỗ trợ, họ phải tự di dời và lo chỗ ở mới.
Tương tự về phần nhà, do nhà trên và ven kênh rạch xây không phép, không đủ điều kiện bồi thường nên chỉ được tính hỗ trợ. Nhà xây dựng trước ngày 15-10-1993 được hỗ trợ bằng 70% giá trị xây dựng (theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành), sau thời điểm này đến trước ngày 1-7-2004 được hỗ trợ 50%. Nếu xây từ 1-7-2004 đến trước 1-7-2006 sẽ được hỗ trợ bằng 30% giá trị. Như vậy nhà xây sau ngày 1-7-2006 sẽ không tính hỗ trợ.
Ngoài ra tùy nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, tạo lập nhà người dân sẽ được xem xét giải quyết tái định cư.
Với mức hỗ trợ đất, nhà thấp như trên, cộng với phần diện tích đất nhà trên và ven kênh rạch nhỏ nên số tiền hỗ trợ cụ thể thấp. Mặt khác với chính sách tái định cư không rõ, chưa đủ để người dân an tâm có một nơi ở mới. Chính vì thế phần lớn người dân không đồng tình với chính sách này bởi tiền nhận xong không đủ lo nơi ăn chốn ở tối thiểu cho gia đình.
Đây cũng là một nguyên nhân chính, trở ngại lớn để thu hồi nhà dân, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.
Có thay đổi, nhưng đột phá chưa?
Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP mới đây, người dân sử dụng đất có nguồn gốc sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng đã lấn, chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày 1-7-2014 sẽ được hỗ trợ 70% giá đất ở. Nếu sử dụng đất sau thời gian này không được hỗ trợ. Mức hỗ trợ trên được áp dụng thống nhất, không phân biệt trường hợp thu hồi một phần hay toàn bộ; sông, ngòi, kênh, rạch còn hay không còn chức năng tiêu thoát nước.
Ngoài ra, sở này còn đề xuất hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu cho các hộ dân. Theo đó nếu toàn bộ nhà ở, đất ở thu hồi đủ điều kiện bồi thường về đất ở, người dân được giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội. Nếu thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường mà diện tích đất thu hồi lớn hơn hoặc bằng hạn mức giao đất, người dân được giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội.
Còn với trường hợp này nhưng diện tích đất ở thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất, người dân chỉ được giải quyết tái định cư nhà ở xã hội.
Hộ dân được giải quyết tái định cư nhưng tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ giá trị suất tái định cư sẽ được Nhà nước hỗ trợ đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu (bằng tiền, bằng đất ở, bằng nhà ở). Nếu không đủ thanh toán giá trị nhà ở trong khu tái định cư, người dân được trả góp theo lộ trình quy định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Quang Huy Quan, phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8, cho hay số lượng nhà và ven kênh, rạch lớn nhưng diện tích nhỏ, nếu tỉ lệ bồi thường, hỗ trợ thấp người dân không đủ tiền tạo nơi ở mới.
Đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường xuất phát từ đề xuất của các quận huyện để tháo gỡ khó khăn về di dời nhà trên và ven kênh, rạch. Thay vì phần đông không đủ điều kiện nhận bồi thường, hỗ trợ như quy định hiện nay, nếu kéo thời gian hưởng chính sách đến 1-7-2014, hầu hết hộ dân sẽ được hỗ trợ.
Tuy nhiên ông Quan cho hay nên hiểu phần được bồi thường tối đa 70% giá đất được tính là phần đất có nguồn gốc sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước được san lấp thành đất ở. Nhà người dân nằm hoàn toàn trên mặt nước kênh, rạch không được hỗ trợ tiền đất, chỉ được hỗ trợ tiền nhà.
Ông Quan đặt ra câu hỏi: “Nếu chỉ hỗ trợ tiền nhà, các hộ dân có nhà nằm hoàn toàn trên mặt nước sẽ nhận số tiền quá thấp, liệu có tạo sự đột phá về đồng thuận?”.
Ông Quan cho rằng vấn đề này cũng là sự “lấn cấn” của các địa phương. Tuy nhiên, nếu hỗ trợ tiền đất cho nhà nằm hoàn toàn trên mặt nước sẽ không đúng luật.
Tính kỹ cho người dân có nhà hoàn toàn trên kênh, rạch
TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho hay về nguyên tắc việc người dân lấn chiếm đất công sẽ không được bồi thường và đúng ra phải hoàn trả hiện trạng ban đầu từ sớm.
Tuy nhiên, các chính sách, chủ trương khi thực hiện đều phải xét về tính nhân đạo. Với các dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch, cần xem xét hoàn cảnh của những người dân nơi đây, có sự hỗ trợ để họ không trở lại hoàn cảnh “vô gia cư”.
Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, nếu ngôi nhà của người dân phân nửa xây dựng trên sông, nửa còn lại nằm trên mặt đất chắc chắn họ đã có cắm thêm, chiếm dụng. Trường hợp này hỗ trợ 70% giá bồi thường về đất cũng cơ bản ổn định. Nhưng với những nhà 100% trên sông, có những hộ sống chen chúc 2 – 3 thế hệ, phải xem xét thêm điều kiện hỗ trợ vì khi di dời họ hoàn toàn không còn mảnh đất nào để “cắm dùi”.
Các cơ chế hỗ trợ khác có thể tính đến như cho thuê nhà ở nhà hội, cho tạm cư hoặc thậm chí tạo điều kiện để người dân về quê sinh sống, làm ăn. Bởi những hộ dân sống ven kênh rạch có rất nhiều người tha hương từ nơi khác đến sống tại TP.HCM mà không có chỗ ở, không có công ăn việc làm ổn định.
Việc đặt ra một tiêu chuẩn chung rất khó, đôi lúc phải hình thành một hội đồng xem xét các cơ chế hỗ trợ để mang tính công bằng nhất, không đưa người dân vào thế khó.
Chẳng hạn, dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước đây cũng chủ yếu có chính sách hỗ trợ thỏa đáng, đời sống người dân bị xáo trộn quá nhiều. Khi cải tạo kênh rạch, những hộ dân không bị di dời họ được hưởng lợi, thế thì những người ở đấy lâu rồi dù bất hợp pháp về nguyên tắc phải làm cho người dân đó cũng được hưởng lợi.
Việc tăng mức hỗ trợ giá đất ở cho dân sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc triển khai cải tạo kênh rạch đang ô nhiễm nặng nề hiện nay.
Theo chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo, TP đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Hiện nay, UBND TP.HCM đang tập trung làm hai dự án trọng điểm, với dự án nạo vét, cải tạo môi trường xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) đi qua hai địa bàn quận Gò Vấp và Bình Thạnh có 2.200 hộ ảnh hưởng.
Hiện có 43/138 hộ ở Gò Vấp đồng thuận và đã có quyết định chi trả. Số hộ còn lại quận sẽ duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013. Số hộ trên địa bàn quận Bình Thạnh thì thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024.
Với dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi (quận 8) có hơn 1.600 hộ ảnh hưởng. Theo dự kiến, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2024.