Bà Nguyễn Thị Bích năm nay 67 tuổi, từng là người lính liên vận chuyên thồ gạo muối, lương thực tiếp viện cho chiến trường những năm cuối cùng của chiến tranh ở vùng Quảng Nam.
Trả nghĩa cho người đã mãi nằm lại
Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Trại Tiệp thuộc thôn Ninh Khánh, xã Ninh Phước nằm lọt thỏm giữa rừng, cách xa các ngôi làng của người dân. Việc hình thành khu tưởng nhớ liệt sĩ này bắt đầu từ một sự kiện đau thương năm 1968.
Trong lúc 20 bộ đội (có nhiều thương binh lẫn người khiêng cáng) cùng một nữ y tá đang trên đường di chuyển xuống bệnh xá Hòn Tàu để điều trị thì bất ngờ bị lính Mỹ phục kích. 21 người hy sinh, nằm rải rác ở con đường mòn vốn là hành lang liên vận nối đồng bằng lên chiến trường Đông Trường Sơn.
Hòa bình, một số bà con huyện Nông Sơn ngược lên rừng khi đi qua nơi 21 liệt sĩ nằm lại thì đều thắp một nén nhang tưởng niệm. Lâu dần một khóm thờ liệt sĩ được nhân dân lập nên. Ông Trương Thành Tá, cựu chiến binh ở thôn Ninh Khánh, kể năm 2012 khu tưởng niệm liệt sĩ còn rất sơ sài, nằm trơ trọi giữa đồi núi.
Trong những người lên để thắp hương, làm lễ giỗ cho liệt sĩ vào ngày 26-7 có bà Nguyễn Thị Bích – hội viên Hội cựu chiến binh Nông Sơn. Xót xa trước cảnh nơi an nghỉ của 21 liệt sĩ Trại Tiệp còn sơ sài, bà Bích đã nhận lời gửi gắm của ông Tá, bà con nhân dân cùng Hội cựu chiến binh Nông Sơn đứng ra vận động xây dựng nâng cấp thành đài tưởng niệm liệt sĩ.
Đứng giữa gian nhà gỗ kiên cố, một khu tưởng niệm rộng 400m2 khang trang, bà Bích nói rằng phải mất 4 năm toàn bộ đài tưởng niệm mới xong, số tiền không ai thống kê được vì cứ làm theo kiểu “xin được đồng tiền nào, được bao xi măng hay viên gạch nào thì về làm gối lên”.
Bà Bích cười vui khi được hỏi làm cách nào để “xin” đủ chi phí làm đài tưởng niệm liệt sĩ ở Trại Tiệp.
“Thực ra mình dùng từ “xin” là cũng chưa đúng lắm. Ai có thì đóng góp vô, ít đóng ít, nhiều đóng nhiều để chúng ta cùng lo cho các anh, các chú, các bác.
Cứ nghĩ như thế nên gặp ai thấy có chút khấm khá hoặc có tâm rộng rãi chút là tôi đều mở lời. Thật kỳ lạ, khi tôi nói vận động tiền bạc, vật tư xây đền thờ liệt sĩ thì hầu như không ai từ chối” – bà Bích nói.
Những đài tưởng niệm được góp từng viên gạch
Vùng Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam từng là nơi bị máy bay và pháo Mỹ tập trung đánh phá ác liệt bởi nằm trên con đường tiếp viện giữa miền núi với đồng bằng Quảng Nam, Đà Nẵng những năm đỏ lửa. Ngày hòa bình, tất cả liệt sĩ đã được quy tập, đưa về những nghĩa trang liệt sĩ khang trang do Nhà nước đầu tư.
Nhưng cũng ngay ở Nông Sơn, ngoài nghĩa trang liệt sĩ thì những đài tưởng niệm được xây dựng từ sự chung tay của người dân như ở Trại Tiệp cũng rất nhiều.
Đó là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Khe Chín Khúc (xã Quế Lâm), Nhà bia liệt sĩ Hóc Thượng (trung tâm huyện Nông Sơn)… Nhiều khu tưởng niệm liệt sĩ được làm quy mô, có công trình quy mô cả ngàn m2, xây khang trang, bề thế. Tất cả đều từ sự vận động, chung tay chung lòng của các doanh nghiệp, người dân và có dấu ấn của nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Bích.
Bà Bích cho biết công trình Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Khe Chín Khúc (xã Quế Lâm) được bà cùng Hội cựu chiến binh huyện Nông Sơn đứng ra vận động xây dựng.
Đó là vào khoảng năm 2017, trước những trăn trở của đại tá Nguyễn Phước Cương – lúc đó là phó chủ tịch Hội cựu chiến binh Nông Sơn – khi chưa thể làm được một nơi thờ phụng cho bảy liệt sĩ đã hy sinh ở Khe Chín Khúc, bà đã xuống tận nơi và cảm nhận dù nơi đây hương khói không nguội tắt, nhưng những hy sinh của liệt sĩ xứng đáng được lo chu toàn hơn.
Ngay sau đó bà Bích đã xuống Đà Nẵng, vào TP.HCM gặp những người con Nông Sơn làm ăn thành đạt, để chung tay xây dựng nhà bia. Công trình được làm miệt mài từ năm này qua năm khác, tới 2022 mới hoàn thành trọn vẹn.
Một công trình ý nghĩa khác có sự góp sức của bà Bích là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Hóc Thượng. Đây là một trong những công trình bề thế, khang trang và quy mô nhất, nơi thờ phụng 242 liệt sĩ thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 hy sinh năm 1966.
Bà Bích cho biết để xây dựng công trình này còn có rất nhiều anh em, cán bộ lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và cả Quân khu 5 cùng chung tay đi vận động. Công trình làm ròng rã trong 4 tháng, chắt chiu từng xe cát sỏi, từng viên gạch. Tới cuối năm 2019 hoàn tất và tới nay trở thành một trong những nơi thờ phụng liệt sĩ khang trang nhất ở Nông Sơn.
Đại tá Nguyễn Phước Cương, chủ tịch Hội cựu chiến binh Nông Sơn, nói bà Bích là người có khả năng vận động, thuyết phục được mọi người chung tay chăm lo cho liệt sĩ. Từ sự nỗ lực của bà tới nay đã có ba đài, nhà bia liệt sĩ, trị giá hàng chục tỉ đồng được xây dựng khang trang.
Ngoài xây công trình, bà Bích hằng năm đều trực tiếp đứng ra lo liệu, vận động bà con, các doanh nghiệp góp lễ vật để tổ chức cúng tại các khu tưởng niệm liệt sĩ.