Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang có chuyến thăm Trung Quốc mà ông tự gọi là “sứ mệnh hòa bình 3.0”.
Chuyến thăm diễn ra một ngày trước khi NATO tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập ở Washington, với cuộc chiến của Nga tại Ukraine dự kiến là chủ đề chính. Chuyến thăm này cũng diễn ra sau các chuyến thăm bất ngờ của ông Orban tới Nga và Ukraine trong tuần trước.
Kêu gọi tạo điều kiện đàm phán trực tiếp
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV trích lời ông Tập nói với ông Orban trong cuộc hội đàm rằng “cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện và cung cấp sự hỗ trợ để hai bên (Nga và Ukraine) có thể nối lại các cuộc đối thoại và đàm phán trực tiếp”.
“Chỉ khi tất cả các cường quốc phát huy năng lượng tích cực thay vì tiêu cực thì lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột này mới có thể xuất hiện”, ông Tập nói với ông Orban.
Ông nhấn mạnh rằng lợi ích của tất cả các bên là ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp chính trị càng sớm càng tốt.
“Hiện tại cần tuân thủ ba nguyên tắc ‘không lan rộng chiến trường, không leo thang chiến tranh và không tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa’ để làm dịu tình hình càng sớm càng tốt”, ông Tập nói thêm.
Sau cuộc hội đàm, ông Orban viết trên mạng xã hội X rằng Trung Quốc là “một cường quốc quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hòa bình” trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
“Đây là lý do tại sao tôi đến gặp Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh, chỉ hai tháng sau chuyến thăm chính thức của ông ấy tới Budapest”, ông Orban viết.
Chủ tịch luân phiên EU nhưng không đại diện EU
Phó thủ tướng Đức Robert Habeck nói với báo giới ở Stuttgart rằng ông Orban tới Trung Quốc với tư cách là một chính trị gia của Hungary và không phát biểu thay mặt châu Âu.
Ông Orban, người được coi là một nhà lãnh đạo thuộc EU thân thiện nhất với Matxcơva, đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin ngày 5-7 về cuộc chiến tại Ukraine. Chuyến thăm này của thủ tướng Hungary bị cả Kiev và EU chỉ trích, cho rằng nó đe dọa phá hoại lập trường của khối về cuộc xung đột.
Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của EU vào đầu tháng 7. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell cho biết chuyến thăm của ông Orban tới Nga hoàn toàn mang tính song phương và ông Orban “không nhận được bất kỳ ủy nhiệm nào từ Hội đồng EU để thăm Matxcơva”.
Thân thiện với cả ông Tập Cận Bình và Điện Kremlin, ông Orban đã từ chối gửi vũ khí tới Kiev, thay vì hành động như các lãnh đạo EU khác, đồng thời có các động thái ngăn các gói tài trợ của EU cho Ukraine.
Đầu tư lớn từ Trung Quốc
Ông Tập đã thăm Hungary vào tháng 5 năm nay, trong chặng cuối của chuyến thăm châu Âu bao gồm cả Pháp và Serbia.
Sau cuộc gặp với ông Orban, ông Tập nói Bắc Kinh xem trọng mối quan hệ với EU.
Mặc dù có diện tích nhỏ, Hungary với 9,6 triệu dân đã thu hút một loạt các dự án từ Trung Quốc trong những năm gần đây, chủ yếu liên quan đến sản xuất pin và xe điện.
Theo Chính phủ Hungary, tổng giá trị các dự án đầu tư từ Trung Quốc lên tới 16 tỉ USD.
Ông Orban đã ủng hộ chính sách đối ngoại “mở cửa phía Đông” kể từ khi ông trở lại nắm quyền vào năm 2010, nhằm theo đuổi quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Trung Quốc, Nga và các quốc gia châu Á khác.
Vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Hungary là lãnh đạo duy nhất tại EU tham dự hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập tại Bắc Kinh.