Qua mỗi tô phở đầy hương vị, người dân ở Hàn Quốc và các đầu bếp từ Việt Nam không chỉ chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc, mà còn mở ra những cơ hội làm ăn, giao thương giữa hai nước.
Mang dù đi thưởng thức phở
Cơn mưa nhẹ chiều 6-10 ở Seoul không ngăn được dòng người đổ về khu Pie Factory, nơi diễn ra Vietnam Phở Festival 2024, để thưởng thức phở và các món ngon Việt Nam. Không ít kiều bào, gia đình các cặp đôi Việt – Hàn đã từ nhiều nơi xa xôi, đi hàng giờ đồng hồ tàu, xe để đến với lễ hội. Có những vị khách quay lại lễ hội ngày thứ hai để tận hưởng không gian văn hóa, ẩm thực.
Bà Lê Đào cùng chồng từ tỉnh Gyeonggi-do đi tàu hơn một tiếng đồng hồ để đến với lễ hội. Hai vợ chồng bà đã ăn hết 5 tô phở, cùng bún bò, bánh xèo. Là người gốc Cần Thơ, cưới chồng xa xứ nhưng các món ăn Việt Nam luôn hiện diện trên bữa cơm của gia đình và đến giờ chồng cũng mê luôn món Việt.
“Tình cờ biết thông tin về lễ hội qua mạng xã hội, chúng tôi quyết định đến đây mà không đắn đo gì. Nhiều người bạn của tôi đi về ngày hôm qua khen lễ hội món ăn ngon lắm”, bà Đào cho biết.
Sự thành công của lễ hội được chứng minh qua số lượng khách đến tham quan và thưởng thức. Theo ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban tổ chức Vietnam Phở Festival, 28.000 lượt khách đến với lễ hội, gấp 3,5 lần so với con số mục tiêu ban đầu.
Trong đó rất đông người trẻ, là sinh viên đang du học ở Hàn Quốc, các em bé cũng được cha mẹ đưa đến lễ hội để thưởng thức món ăn Việt Nam “chính gốc” do các đầu bếp từ Việt Nam phục vụ.
Ngoài ra, lễ hội còn là nơi gặp gỡ của các gia đình, cặp đôi Việt Nam – Hàn Quốc, tìm lại những cảm xúc quê nhà. Có gia đình biết tin về lễ hội muộn vẫn lái xe hàng chục cây số, đến nơi thì các gian hàng gần như đã đóng cửa, đã không giấu được sự tiếc nuối.
Anh Nguyễn Tiến Hải, chủ quán Phở’S, cho biết sự yêu thích của món phở Việt cũng như hương vị sâm khiến anh tự tin hơn trong kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế. Hiện nay Phở’S đã có những bước tiến đầu tiên để hiện diện ở thị trường Philippines và Trung Quốc. Với thị trường Hàn Quốc, nơi cộng đồng người Việt đông đảo, cơ hội còn đến từ sự đón nhận món phở thuần Việt.
“Người dân Hàn Quốc đã đón nhận món phở kết hợp với sâm một cách nồng nhiệt. Họ đánh giá cao sự sáng tạo trong cách sử dụng nguyên liệu địa phương và bày tỏ sự hứng thú với cách mà phở Việt Nam có thể thích nghi và phát triển những món ăn vừa ngon, tốt cho sức khỏe”, anh Hải chia sẻ.
Bộ Ngoại giao đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, tâm huyết của báo Tuổi Trẻ và các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong việc triển khai một hoạt động ý nghĩa của ngoại giao văn hóa, giới thiệu ẩm thực, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.
Cầu nối xúc tiến thương mại, đầu tư
Sự gần gũi giữa hai nước đang giúp các doanh nghiệp kết nối nhanh chóng hơn. Và ngay trong sự kiện ở Hàn Quốc, lễ hội đã đón hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đang trong những ngày sang Hàn Quốc để thực hiện hoạt động xúc tiến, đầu tư.
Trong đó có đoàn công tác của TP Thủ Đức (TP.HCM) do Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp dẫn đầu, với 17 doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, bất động sản…
Tự hào trước quy mô của lễ hội, nhất là trước dòng người xếp hàng dài, đông đúc ở sự kiện và sự đón nhận nồng nhiệt của người dân Hàn Quốc với ẩm thực Việt Nam, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phùng cho biết trong ngày 7-10, sẽ có buổi kết nối giữa 17 doanh nghiệp của đoàn với 50 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đại sứ quán Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Theo đó, ít nhất ba biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và xúc tiến đầu tư đã được ký kết giữa hai nước.
Ông Phùng cho biết đầu tư từ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng do đặc thù địa bàn có khu công nghệ cao… Các công ty Hàn Quốc có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, rất phù hợp với các ưu tiên phát triển của TP Thủ Đức. Mục tiêu của đoàn trong đợt xúc tiến này là thu hút các khoản đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là trong sản xuất chất bán dẫn và các ngành công nghệ khác.
Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, đơn vị đồng tổ chức Vietnam Phở Festival, cho biết thành công của sự kiện sẽ thúc đẩy ngành du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc, qua đó thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch giữa hai nước.
“Các gian hàng của tập đoàn phải căng mình phục vụ trước nhu cầu tăng gấp 3 lần, nhưng ai cũng vui vẻ, làm việc nhiệt tình trước sự yêu thích món ăn Việt Nam”, ông Tài chia sẻ.
Lễ hội không chỉ góp phần giúp người dân Hàn Quốc hiểu thêm những giá trị văn hóa Việt Nam thông qua phở mà còn thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Trong dịp này, Saigontourist Group cũng ký hợp tác với Arirang, một trong những công ty du lịch hàng đầu Hàn Quốc.
Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch hàng đầu của hai nước sẽ giúp tăng cường quảng bá các điểm đến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, thúc đẩy thu hút khách du lịch đến Việt Nam, qua đó góp phần vào sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế – xã hội nói chung của đất nước.
Dự kiến, năm 2025 sẽ có 5 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam so với con số hơn 3 triệu khách của năm 2023.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, nhấn mạnh: Sự kiện Vietnam Phở Festival đã thành công tốt đẹp.
Bộ Ngoại giao, với tư cách là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, tâm huyết của báo Tuổi Trẻ và các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong việc triển khai một hoạt động ý nghĩa của ngoại giao văn hóa, giới thiệu ẩm thực, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.
“Cũng như phở Việt Nam, kim chi không chỉ là một món ăn, mà còn là một phần trong đời sống văn hóa của người dân Hàn Quốc. Cả phở và kim chi đều mang trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc. Và sự tương đồng trong văn hóa ẩm thực này không chỉ làm giàu thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc, mà còn giúp mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ ẩm thực đến du lịch, từ văn hóa đến thương mại, từ các địa phương đến người dân.
Lễ hội Vietnam Phở Festival tại Seoul khép lại dấu ấn đậm nét, đồng thời mở thêm một nhịp cầu mới, kết nối Việt Nam và Hàn Quốc thông qua ẩm thực.
Với sự phát triển và lan tỏa ngày càng mạnh mẽ của phở, đã được quốc tế hóa trong từ điển của thế giới…, những người yêu phở hy vọng món ngon này sẽ sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
* Ông TRẦN XUÂN TOÀN (trưởng ban tổ chức Vietnam Phở Festival):
Thúc đẩy hàng Việt hiện diện nhiều hơn ở Hàn Quốc
Đã có nhiều đề xuất đến ban tổ chức đề nghị sang năm hoặc sang năm nữa tiếp tục chọn Hàn Quốc để tổ chức Festival Phở.
Chúng tôi hy vọng sau lễ hội sẽ có thêm nhiều người Hàn Quốc đến Việt Nam thưởng thức phở, các món ngon Việt Nam và văn hóa Việt Nam, cũng như sẽ có thêm nhiều người Việt Nam sang Hàn Quốc thưởng thức kim chi, các món ngon Hàn Quốc và văn hóa Hàn Quốc. Qua đó, thêm nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất hiện ở Hàn Quốc, trong các siêu thị, cửa hàng, thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Phở Việt thu hút người nổi tiếng Hàn Quốc
Điều thú vị là trong ngày 6-10, đến với Vietnam Phở Festival 2024 có rất nhiều người nổi tiếng Hàn Quốc là các nghệ sĩ, influencer… đến thưởng thức phở và giao lưu cùng các ông chủ, bà chủ quán phở.
Nhóm nhà thiết kế Daesung Kim, Jackson Yoon và Heesun Qim… khá nổi tiếng trong cộng đồng thời trang Hàn Quốc đã đến gian hàng và thưởng thức món phở một cách thân thiện. Nhiều nghệ sĩ Hàn bày tỏ sự trân trọng khi được tham gia một sự kiện về phở của Việt Nam vì… đây cũng là món mà ai cũng ưa thích.
Daesung Kim, giám đốc sáng tạo, cho biết là người yêu thích sự sáng tạo, anh nhận thấy phở là món ăn có rất nhiều cảm hứng cho các nghệ sĩ. “Phở là từ gạo và nước dùng từ thịt, xương bò. Hương vị phở được các đầu bếp chế biến rất tinh tế, công phu”, anh nhận xét.
Khách xếp hàng dài, món ngon Việt Nam “cháy hàng”
Vietnam Phở Festival 2024 tại Seoul sang ngày thứ hai đã thu hút đông đảo thực khách ở Hàn Quốc. Dòng người xếp hàng chờ mua phiếu vào lễ hội kéo dài đến cổng chính của sự kiện.
Anh Nguyễn Đình Tuyên, chủ nhà hàng phở Khỏe, cho biết đội ngũ của anh phải đi siêu thị vào lúc nửa đêm để bổ sung nguyên liệu theo đặt hàng của ban tổ chức khi nhận thấy lượng thực khách đến thưởng thức vượt xa dự tính.
“Chúng tôi đã tăng thêm hơn 40kg thịt bò và heo cũng như nhiều rau thơm để kịp chế biến cho ngày thứ hai. Tất cả nguyên liệu ban đầu đã được dùng hết trong ngày đầu tiên”, anh Tuyên chia sẻ. Anh cũng dự đoán số lượng khách đến festival ngày thứ hai sẽ còn đông hơn.
Ban tổ chức cũng nhanh chóng tăng cường lượng tô giấy, đĩa và đũa để đảm bảo mọi gian hàng không bị thiếu. Đây là tín hiệu cho thấy sự hấp dẫn mạnh mẽ của món phở và ẩm thực Việt Nam tại sự kiện lần này.
Nhiều quán phở cho biết dự đoán trước được tình hình ngày chủ nhật khách sẽ đông hơn hôm qua nên đã thức xuyên đêm để tăng cường nguyên vật liệu, tăng suất phục vụ gấp ba lần.
Bà Bùi Thanh Loan, chủ thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ – Hàng Tre, cho biết trong ngày đầu tiên, quán tất bật khi lượng khách đổ dồn vào buổi trưa, bản thân bà không kịp giao lưu với khách. “Rất nhiều YouTuber, TikToker đến để review và livestream, tạo nên một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho sự kiện”, bà Loan nhận định.
Tượng tự, chị Bích Hoàng, chủ quán phở Dậu, cho hay đã tăng cường lượng thịt và nước dùng để phục vụ nhu cầu của khách. Đặc trưng món hành trộn giấm tương ớt của phở Dậu đã thu hút nhiều thực khách yêu thích hương vị truyền thống. Anh Tuấn Trung, chủ quán phở Phú Gia, cho biết các đầu bếp phải vào bếp liên tục ngay từ sáng sớm để đảm bảo các món ăn được phục vụ kịp thời.
Bên cạnh phở, món bánh mì “cháy hàng” đến mức gian hàng của khách sạn Grand Sài Gòn, thuộc Tập đoàn Saigontourist Group, đã liên tục “tiếp tế” nhưng dòng người vẫn xếp hàng dài cho đến khi lễ hội bế mạc.
Ước tính trong ngày 6-10, gần 1.000 phần bánh mì đã được bán ra, chưa kể các món ngon khác như bánh xèo, chả giò chiên giòn, thịt nướng ngũ vị…