Chiều 4-9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn Đèo Cả và đại diện một số ngân hàng để thống nhất việc triển khai thực hiện hai dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương nối Đà Lạt với TP.HCM.
Làm rõ cơ sở tính vốn chủ, vốn vay
Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn, làm rõ tỉ lệ vốn chủ sở hữu tham gia đối với các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP) được quy định tại khoản 3 điều 1 nghị định 78/2023/NĐ-CP, được xác định là: tỉ lệ vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án.
Đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cam kết tài trợ vốn tín dụng theo phương án tài chính được hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại bảo lãnh đấu thầu, thu xếp tín dụng ngắn hạn.
Trường hợp Ngân hàng VDB không cấp tín dụng cho dự án, doanh nghiệp kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để Ngân hàng Nhà nước có ý kiến các ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank tham gia đồng tài trợ theo hình thức liên doanh.
Nhà đầu tư cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp làm việc với Ngân hàng VDB, các ngân hàng thương mại khác để có cơ sở đề xuất, thẩm định, phê duyệt và cấp tín dụng cho dự án phù hợp với phương án tài chính được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Sau khi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước có ý kiến, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo: đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh hoặc làm rõ tỉ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án có bao gồm phần vốn của ngân sách nhà nước hay không.
Ngoài ra, các ngân hàng có thể liên doanh để cấp vốn cho dự án, trong đó có vốn ngắn hạn lẫn dài hạn.
Quy hoạch khoáng sản không ảnh hưởng tiến độ 2 dự án đường cao tốc
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng con đường để thực hiện dự án đã đi được đến 90% nhưng có 10% bị ách và 10% này có thể khiến dự án phải dừng lại. Điều này không nên trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công không thiếu.
Đối với vấn đề chồng lấn 226ha của hai dự án đường cao tốc với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (quyết định 866),
Ông Trần Quý Kiên – thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết trong Luật Khoáng sản cho phép những công trình quan trọng quốc gia khi triển khai qua những khu vực đã điều tra đánh giá hoặc chưa điều tra đánh giá thì phải theo nguyên tắc gặp (khoáng sản) thì phải thu hồi và nếu việc thu hồi có giá trị thì buộc phải thu hồi.
Ông Kiên khẳng định quy hoạch khoáng sản rất quan trọng nhưng về thẩm quyền thì thấp hơn quy hoạch sử dụng đất, vì đây là quy hoạch tổng thể quốc gia. Khi làm đường cao tốc, đất phải được quy hoạch thành đất giao thông. Đường cao tốc đi qua bô xít nhưng đã được quy hoạch vào đất giao thông, tức là đã được Thủ tướng cho phép, HĐND cấp tỉnh đã cập nhật vào rồi thì đất này không còn là đất quy hoạch khoáng sản nên quy hoạch sử dụng đất lúc nào cũng đi trước một bước.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thẳng thắn: Đây là dự án kết nối vùng rất quan trọng, do đó phải tháo gỡ và thực hiện trước tháng 10-2024 để kịp trình cơ quan có thẩm quyền về những điều chỉnh nhằm gỡ khó cho dự án. Việc tháo gỡ cho hai dự án cao tốc này cũng sẽ tạo cơ chế pháp lý cho các dự án cao tốc tiếp theo.
Cao tốc nối vùng TP.HCM – Đà Lạt – Nha Trang là ấp ủ nhiều năm
Theo ông Nguyễn Thái Học – quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đối với Lâm Đồng dự án cao tốc nối TP.HCM và Nha Trang rất quan trọng. Cơ hội để làm cao hơn bao giờ hết kể từ khi dự án được ấp ủ nhiều năm trước.
Do đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ sớm thực hiện những phần việc thuộc thẩm quyền của địa phương, kiến nghị những nội dung vượt thẩm quyền để triển khai đúng cam kết với nhân dân về dự án này.