Ghi nhận các điểm bán bánh Trung thu ở Hà Nội khá ảm đạm dù chỉ còn 4 ngày nữa là đến Tết Trung thu.
Đi một vòng các quầy bánh trung thu trên đường Tố Hữu để chọn mua bánh Trung thu, nhưng do giá bánh trung thu năm nay đều tăng, với mức trung bình cho các thương hiệu như Kinh Đô, Hải Hà, Bibica… nên chị Lan (ở Mỗ Lao, Hà Đông) đi từng quầy xem để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
“Tôi mua cho gia đình và gửi về quê biếu ông bà, các cháu với số lượng lớn, động viên lúc bão lũ đang xảy ra. Vì vậy, tôi muốn chọn loại phù hợp giá tiền mà vẫn đảm bảo chất lượng. Giá bánh trung thu năm nay các hãng đều tăng, dù không nhiều nhưng trong lúc khó khăn, cũng phải cân nhắc lớn về giá cả”, chị Lan chia sẻ.
Còn theo bà Hoa (Đội Cấn, Ba Đình), mặt bằng giá bánh năm nay tăng cao, nhưng Tết Trung thu thì không thể thiếu bánh Trung thu để thắp hương, nên bà vẫn lựa chọn mua vài cặp bánh để cúng lễ và cho các cháu.
Do kinh tế khó khăn nên lượng mua cũng hạn chế, bà lựa chọn một số sản phẩm hương vị truyền thống vốn quen dùng như nhân thập cẩm, đậu xanh, hạt sen…
Khảo sát trên thị trường, hầu hết các loại bánh trung thu của các hãng đều tăng giá nhẹ. Mức giá cho bánh trung thu Kinh Đô dao động khoảng 60.000 – 100.000 đồng/bánh cho loại 150g, với mỗi hộp (4 chiếc); bánh Hải Hà 40.000 – 80.000 đồng/chiếc…
Một số loại bánh truyền thống của Hà Nội bánh Bảo Ngọc có giá 60.000 – 80.000 đồng/chiếc. Các loại hộp được thiết kế từ 4 – 8 bánh theo chủ đề tên gọi các đường phố, địa danh của Hà Nội giá phổ biến khoảng 400.000 – 500.000 đồng/hộp, có loại hộp lên tới gần 2 triệu đồng.
Bánh Maison cũng thiết kế các loại hộp theo chủ đề, với giá khoảng 400.000 – 900.000 đồng; bánh Thu Hương 1996 65.000 đồng/chiếc (trừ bánh dẻo), cũng như các loại hộp được thiết kế theo chủ đề có giá 360.000 đồng – 2 triệu đồng/hộp.
Chia sẻ với Tuổi trẻ Online, chị Mai kinh doanh một thương hiệu bánh trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ) cho hay do ảnh hưởng mưa bão nên việc kinh doanh bị ảnh hưởng. Một số quầy kệ bị đổ sập nên cũng phải mất thời gian khắc phục lại. Đến nay quầy hàng của chị vẫn ngổn ngang các loại bánh.
“Lượng tiêu thụ bánh trung thu so với các năm trước có chậm hơn, một phần người dân lo khắc phục sau bão, cộng sức mua hàng hóa nói chung năm nay kém hơn, nên dù chỉ còn vài ngày nữa đến Trung thu, chúng tôi vẫn còn khá nhiều hàng. Tôi cũng đang hy vọng còn mấy ngày cuối người dân sẽ mua nhiều hơn”, chị Mai bày tỏ.
Anh Tuấn, chủ một quầy bánh trung thu tại Hà Nội, cho biết từ trước bão đã có một số khách hàng từ các khu dân cư, tòa nhà đặt bánh số lượng lớn để tổ chức trung thu cho các cháu, nên anh đã đăng ký số lượng và hợp đồng mua buôn với nhà sản xuất số lượng lớn.
Tuy nhiên, do bão lũ và thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương, một số nơi hủy việc tổ chức nên anh cũng bị mất số lượng cả nghìn bánh. Như ngồi trên đống lửa vì lo không tiêu thụ được trong khi hợp đồng đã ký, anh tìm đủ mọi cách để giới thiệu sản phẩm, kết nối với các đơn vị thiện nguyện cho vùng lũ bán với mức giá chiết khấu “mềm hơn”.
Nhờ vậy, cũng có những đơn vị đặt hàng để đi tặng bánh cho bà con và các cháu vùng lũ với số lượng lớn. Chấp nhận chiết khấu thấp hơn, anh nhận về đơn hàng tốt hơn và hy vọng những ngày cuối cùng sẽ “vớt vát” lại được số tiền đầu tư.