Đó là một trong những ý kiến chuyên gia được nêu tại Hội thảo tham vấn định hướng phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM giai đoạn 2026 – 2030. Trong khuôn khổ hội thảo, tổ thảo luận do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì cùng các chuyên gia trao đổi về quy hoạch, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị đặc biệt
Nêu ý kiến tại tổ thảo luận, TS Dư Phước Tân – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng có 4 thách thức khi xây dựng định hướng phát triển kinh tế – xã hội TPHCM giai đoạn 2026-2030.
Cụ thể, do áp lực triển khai theo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế quá cao, từ đề án quy hoạch TP.HCM đề ra (thời kỳ 2021-2030), dẫn đến áp lực rất lớn khi triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Qua đó đòi hỏi nhu cầu đầu tư các công trình tầm cỡ, tạo động lực mới và đột phá mới, là rất bức xúc.
Nhu cầu đầu tư phát triển các đô thị vệ tinh mới (5 huyện ngoại thành) phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2030, gắn với mô hình đa trung tâm theo hướng hoàn chỉnh gây áp lực rất lớn về vốn đầu tư.
Hay nhu cầu chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng giảm phát thải C02 cũng gây áp lực về nguồn lực đầu tư và đổi mới công nghệ trong quá trình chuyển đổi. Cùng đó là nhu cầu giải quyết căn cơ vấn nạn ùn tắc giao thông và ngập nước cần tiếp nối, cũng đòi hỏi nhiều nguồn lực, dự án và chính sách mới là rất lớn.
Theo ông Tân, với các thách thức trên cho thấy nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 là rất lớn, cần các giải pháp khả thi và phù hợp. Thời gian tới TP.HCM cần nâng cao năng lực quản lý đô thị và nông thôn; quản lý chặt chẽ, bảo đảm xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Đa dạng hóa huy động, sử dụng nguồn lực, trong đó tập trung khai thác các nguồn lực đất đai, tài nguyên, đẩy mạnh hợp tác công tư, xã hội hóa.
Ngoài các giải pháp huy động nguồn lực được đề xuất trong đề án quy hoạch TP.HCM (như dự kiến phân bố theo tỉ lệ 25% vốn ngân sách), TP cần bổ sung đề xuất về việc xem xét phân cấp, phân quyền cho TP nhiều hơn nữa.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng và ban hành Luật Quản lý và Phát triển đô thị đặc biệt, cũng là một giải pháp tối ưu trong giai đoạn 2026-2030.
Quy hoạch giao thông và đô thị phải thúc đẩy giao thông công cộng
Về khía cạnh khác, lấy con người làm chủ thể trong bài toán quy hoạch phát triển đô thị, ông Vũ Anh Tuấn – Trường đại học Việt Đức – cho rằng thời gian qua chưa có nghiên cứu toàn diện về ảnh hưởng của cấu trúc đô thị, hoạt động giao thông đô thị lên sức khỏe con người.
Trong khi bụi mịn và khí thải trong hoạt động giao thông, đô thị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người như gây ra các bệnh về hen suyễn, viêm phổi, ung thư, tim mạch… Do đó, quy hoạch hiện tại cần phải tập trung vào mục tiêu này.
Quy hoạch giao thông và đô thị phải nhằm thúc đẩy giao thông cơ giới như đi bộ, xe đạp; các phương tiện giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Lợi ích sức khỏe tiềm năng từ các giải pháp thực hiện quy hoạch giao thông và đô thị theo định hướng nâng cao sức khỏe cộng đồng có thể cắt giảm 50-60% các ca tử vong do bụi mịn PM2.5 vào năm 2030 và khoảng 95% vào năm 2040.