Theo Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), từ khoảng 1h đến 7h sáng nay, tại khu vực Kon Plông (Kon Tum) xảy ra liên tiếp 7 trận động đất.
Các trận động đất này có cường độ mạnh từ 2,5 – 3,4 độ, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 – 8,2km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Ngày 30-7, tại khu vực Kon Plông (Kon Tum) xảy ra 4 trận động đất có cường độ mạnh từ 2,5 – 3,1 độ.
Còn ngày 28 và 29-7, tại đây xảy ra “dồn dập” 46 trận động đất, trong đó có trận động đất mạnh 5 độ gây rung lắc ở nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết thông thường sau các trận động đất lớn sẽ có những trận động đất có cường độ nhỏ hơn kèm theo và quy luật này lặp lại khi Kon Tum có những trận động đất mạnh trên 4 độ.
Ví dụ như trận động đất mạnh 5 độ xảy ra ngày 28-7, sau đó đã xảy ra một loạt trận động đất nhỏ kèm theo, liên tiếp trong vòng vài ngày và sau đó sẽ giảm dần.
Sau đó, tích tụ một thời gian (thời kỳ yên tĩnh – PV) lại xảy ra những trận động đất liên tiếp như vậy. Do vậy, dự báo thời gian tới động đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ.
“Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm. Viện cũng có một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này” – ông Xuân Anh nói.
Về những giải pháp, ông Xuân Anh khuyến cáo chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ việc đánh giá thiệt hại do động đất, đánh giá công trình yếu và tuyên truyền cho người dân.
“Thiên tai động đất là rất khó lường, việc dự báo thời điểm xảy ra động đất rất khó, kể cả mức độ hoạt động động đất lớn hay nhỏ cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá.
Do vậy, địa phương và các đơn vị chức năng cần phải kiểm tra đánh giá thiệt hại sau trận động đất mạnh 5 độ vừa qua. Đối với công trình kháng chấn yếu thì phải gia cố, thực hiện các giải pháp phòng chống động đất cho phù hợp. Đối với người dân cần tiếp tục tuyên truyền về những kỹ năng phòng chống động đất” – ông Xuân Anh nói.