Liên quan dự thảo điều chỉnh quyết định số 02 về bảng giá đất ở TP.HCM dự kiến áp dụng từ 1-8 mà Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có những phản hồi.
Chỉ bằng 70% giá thị trường
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết theo số liệu tổng hợp, giá đất dự kiến tại dự thảo bảng giá đất điều chỉnh có tăng so với bảng giá đất tại quyết định số 02 ngày 16-1-2020 của UBND TP.HCM khoảng 7 lần.
Tuy nhiên bảng giá đất theo quyết định 02 khi sử dụng phải nhân với hệ số điều chỉnh giá đất 3,5 lần. Do đó thực tế bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần và giá đất theo bảng giá đất dự kiến điều chỉnh, chỉ tương ứng bằng 70% mặt bằng giá thị trường.
Sở lấy dẫn chứng đối với giá đất tại tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ theo quyết định 02 là 162 triệu đồng/m², bằng mức tối đa của khung giá đất theo pháp luật đất đai năm 2013.
Năm 2021, UBND TP phê duyệt giá đất cụ thể (giá thị trường) cho căn nhà thuộc tầng trệt là 680 triệu/m², nếu tính theo cách nội suy thì giá đất tại khu vực này tương ứng với 970 triệu/m².
Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay bảng giá đất dự kiến điều chỉnh cho tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ có giá 810 triệu/m² là phù hợp với mặt bằng chung của khu vực.
Đưa giá đất tiệm cận với thị trường
Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay qua đánh giá sơ bộ thì nhóm có ảnh hưởng nhiều bởi bảng giá đất mới là cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đối chiếu với pháp luật đất đai năm 2013 với pháp luật đất đai năm 2024, các trường hợp sử dụng đất ổn định trước ngày 15-10-1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
Trường hợp diện tích vượt hạn mức thì thu theo bảng giá đất năm 2005. Các trường hợp sử dụng đất còn lại thì xét theo nguồn gốc và các mốc thời điểm sử dụng đất để có tỉ lệ thu thích hợp.
Sở cho biết theo dự thảo nghị định thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Chính phủ sắp ban hành thì tỉ lệ thu xét theo mốc thời điểm từ 10-50% bảng giá đất dự kiến điều chỉnh.
Ngoài ra người sử dụng đất thuộc diện gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo sẽ miễn giảm tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.
“Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh thực chất đang đưa giá đất theo quy định từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của thị trường, góp phần tích cực cho sự công bằng, minh bạch cho các nhóm sử dụng đất và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Việc sử dụng đất vì thế sẽ tiết kiệm hơn”, sở đánh giá.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sắp tới Chính phủ sẽ có những điều chỉnh các mức thu (tỉ lệ %) cho phù hợp với tình hình thực tiễn, hạn chế việc tăng đột biến các khoản thu.
Người dân sẽ đóng thuế cao hơn khi chuyển nhượng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hữu Nghĩa, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng việc tăng giá đất trong bảng giá đất như trong dự thảo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM không tác động đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản do đa số các doanh nghiệp địa ốc được tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, còn các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên cũng không ảnh hưởng.
Thay vào đó, bảng giá đất này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với người dân khi mua bán, chuyển nhượng, phải đóng lệ phí trước bạ cao hơn mức cũ, còn mức cao thấp như thế nào phụ thuộc vào giá đất của từng khu vực theo bảng giá đất.
Đồng thời ông Nghĩa cho hay mức thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cũng sẽ cao hơn khi bảng giá đất tăng bởi công thức tính thuế là 2% nhân cho giá chuyển nhượng (giá chuyển nhượng không thấp hơn bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành).
Tuy nhiên ông Nghĩa cho rằng khi bảng giá đất tăng, người dân sẽ nhận được các khoản bồi thường, giải phóng mặt bằng cao hơn nên dễ nhận được sự đồng thuận của người dân, sớm bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra ông Nghĩa cho hay với trường hợp Nhà nước cho thuê đất hoặc các dự án thương mại, dịch vụ nhỏ tính nghĩa vụ tài chính, tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất thì số tiền đóng cho Nhà nước cũng sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tăng lên.