Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải – vận tải nội bộ không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ và trong 1 tuần không được lái xe quá 48 giờ.
Nếu tài xế vi phạm sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng kèm hình phạt bổ sung trừ 2 điểm giấy phép lái xe. Chủ xe để cho tài xế của mình vi phạm cũng sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng (cá nhân) và 8-12 triệu đồng (tổ chức).
Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của bạn đọc Trương Nhất Vương, một tài xế lâu năm, góp thêm góc nhìn về quy định này.
Lái xe cả ngày lẫn đêm, sao không mệt mỏi, kiệt sức
Hơn 15 năm lái chiếc xe IFa W50 nhận khoán của công ty, tôi không thể nhớ hết mình đã bao nhiêu lần ngủ gục và bao nhiêu lần thoát chết trong gang tấc.
Nhiều tài xế như tôi thời đó không đủ tiền mua lốp, không đủ tiền nộp khoán, lại càng không có tiền thuê tài chạy phụ nên chuyện lái một mình đi Bắc về Nam trong thời gian dài là chuyện bình thường.
Việc một mình chạy cả ngày cả đêm liên tục làm sao không mệt mỏi, không kiệt sức.
Hệ quả của việc luôn chạy xe trong tình trạng chạy cố, chạy ráng khiến tôi nhiều lần ngủ gục. Không ít lần choàng tỉnh thì thấy xe không chạy trên đường nhựa mà chạy trên… thảm cỏ xanh.
Có lần tôi chở 12 tấn đậu xanh ra đến phà Tân Đệ (Thái Bình), phải xếp hàng chờ lên phà mà tôi ngủ quên.
Khi các xe trước đã chạy lên mà xe tôi vẫn đứng yên khiến các xe sau không thể chạy được. Họ bóp còi inh ỏi và nhiều lơ xe phía sau chạy lên đập cửa gọi tôi mới giật mình tỉnh lại.
Nhớ nhất là lần tôi ngủ gục khiến xe lao vào vườn dừa Tam Quan (Bình Định).
Lần đó bà ngoại tôi mất, tôi chở cả gia đình trên cabin xe tải ra Hà Nội lo tang cho bà xong mới quay về. Trời đã sáng rõ và anh tôi bảo ráng chạy thêm một đoạn có quán hải sản để ăn sáng.
Bỗng anh tôi thét lớn: “Chết, chết!!!”. Tôi choàng tỉnh thấy chiếc xe tải do tôi cầm lái đã lao lên vườn dừa bên đường.
Giờ tôi đã chuyển sang dạy lái, nhớ lại những hành trình vạn lý, nhớ những đêm căng mắt để chạy, nhớ những lần thoát chết trong gang tấc ấy… tự thấy thương mình xiết bao!
Nhưng tôi vẫn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp của tôi.
Anh Q., người đã chết do đối đầu xe ngược chiều. Anh ấy ra đi mà có lẽ không hiểu vì sao, bởi nó quá đột ngột. Có lẽ chỉ là một giây, một cái chớp mắt. Chỉ là một tiếng va chạm lớn và tất cả đã khép lại để anh không kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Người ta cắt cabin kéo anh ra đưa về gia đình với kết luận: ngủ gục, mất kiểm soát tay lái, tông trực diện vào xe ngược chiều…
Còn N., bạn tôi thoát chết trở về thì bỏ nghề lái xe. Lần ngủ gục, xe lao xuống cánh đồng Đức Phổ (Quảng Ngãi) làm em trai chủ xe chết tại chỗ.
Đau đớn hơn cả là trường hợp anh K., anh T. phải bỏ mạng trên đường không phải vì tai nạn giao thông. Người thì đột tử khi đang tự sửa chữa xe hỏng dọc đường. Người thì ngủ luôn không tỉnh lại trên buồng lái tại trạm dừng nghỉ…
Tài xế vì chén cơm manh áo mà không nghĩ bị bóc lột sức lao động
Tài xế không phải là cỗ máy, cần phải có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ để đảm bảo sức khỏe phục vụ cho nghiệp lái xe an toàn cả đời.
Quy định tài xế không được lái liên tục quá 4 tiếng, không chạy quá 10 giờ trong ngày, không được quá 48 tiếng trong một tuần, kèm theo nâng mức phạt là bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Thực tế một số chủ xe, chủ doanh nghiệp thuê và sử dụng các lái xe theo kiểu “thích thì dùng, không thích thì cho nghỉ”.
Họ có thể ép tài, họ có thể bắt lái xe quay đầu liên tục chỉ vì lợi nhuận cho họ mà không nghĩ đến quyền lợi của người lái xe.
Họ gần như quên mất một điều: Tài xế cũng là con người!
Những lái xe vì chén cơm manh áo của gia đình đã phải thay đổi nhịp sinh học của người bình thường.
Trong khi tất cả đều chìm sâu vào giấc ngủ ngon thì tài xế phải mở to mắt, nhìn xuyên đêm để lái xe an toàn. Nhiều tài xế chỉ biết lái xe quay đầu càng nhiều càng tốt mà không hề biết rằng mình bị lạm dụng sức lao động một cách quá sức.
Quy định mới không chỉ đánh vào túi tiền của lái xe mà còn đánh mạnh vào hầu bao chủ xe, chủ doanh nghiệp. Họ sẽ bị xử lý nếu ép tài, ép lái xe làm việc quá thời gian quy định.
Tài xế sẽ có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ đảm bảo sức khỏe sau mỗi ca làm việc, sẽ hạn chế được các vụ tai nạn do lái xe quá sức, do mất ngủ thường xuyên.
Các lái xe sẽ hạn chế được bệnh nghề nghiệp như đau dạ dày do ăn uống thất thường, thoái hóa cột sống, thần kinh tọa, mắt mờ chân chậm… vì ngồi lâu, phải nhịn ăn nhịn uống, thậm chí nhịn đi vệ sinh.
Kể cả việc sử dụng nhiều chất kích thích như nước chè đậm, bò húc liên tục cũng bị tiểu đường, suy thận…
Quy định mới với những chế tài và mức phạt rất nặng mới nghe tưởng như làm khó các lái xe nhưng tôi nghĩ rằng mục đích cuối cùng cũng chỉ để bảo vệ an toàn cho chính tài xế và cho mọi người, cho những chuyến xe an toàn.