Chiều 12-8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo quyết định điều chỉnh quyết định số 02/2020/QD-UBND ngày 16-1-2020 của UBND TP quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM.
Xây dựng bảng giá đất điều chỉnh là cần thiết
Ông Nguyễn Toàn Thắng – giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – đã tóm tắt các nội dung của dự thảo quyết định điều chỉnh giá đất và những vấn đề cần lấy ý kiến phản biện. Ông Thắng khẳng định việc cần thiết phải có bảng giá đất điều chỉnh cho TP.HCM để triển khai Luật Đất đai.
Phát biểu phản biện, ông Trần Đình Trữ – phó chánh Thanh tra TP.HCM – nói việc điều chỉnh giá đất là hoàn toàn có căn cứ pháp lý. Mục đích điều chỉnh giá đất nhằm bảo đảm giá đất sát giá thị trường, cập nhật hơn 550 tuyến đường mới chưa có bảng giá, bảo đảm công bằng về nghĩa vụ tài chính, bảo đảm quyền lợi người dân tại các dự án bồi thường tái định cư… Luật đất đai cho phép sử dụng bảng giá đất áp dụng đến 31-12-2025, trong khi hệ số K không còn sử dụng được nữa.
“Vì vậy theo tôi, nên ban hành bảng giá điều chỉnh. Nhưng tỉ lệ điều chỉnh như thế nào thì cần tính toán để vừa bảo đảm nguồn thu cho Nhà nước và phù hợp quyền lợi người dân…”, ông Trữ nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM – cho rằng theo tinh thần nghị quyết 18 của Trung ương Đảng về xây dựng Luật Đất đai, bảng giá đất xây dựng phải đạt được mục tiêu hài hòa 3 lợi ích gồm lợi ích Nhà nước, lợi ích người sử dụng đất và lợi ích nhà đầu tư.
Theo ông Hậu, bảng giá đất tác động đến tâm lý thị trường, vốn đầu tư vào đất cũng tăng, chi phí đầu vào tăng cao, các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng sẽ làm chi phí đầu vào của dự án công và cả dự án tư nhân cũng tăng. Đồng thời việc tăng giá đất tạo áp lực tài chính lên người dân tại các huyện ngoại thành, gây khó cho nhu cầu an cư, tách thửa, chuyển mục đích cho con cái…
“Vì vậy cần tính toán lại việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh ở thời điểm này. TP cần thêm thời gian tập trung đánh giá toàn diện tác động giá đất để ban hành vào đầu năm 2026, bảo đảm hài hòa các lợi ích…”, ông Hậu nói.
Cần đánh giá tác động sâu rộng, điều chỉnh theo lộ trình
Đồng tình với ông Hậu, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng bà đồng ý với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cần thiết điều chỉnh giá đất. Tuy nhiên điều chỉnh nên theo lộ trình để người dân, doanh nghiệp chuẩn bị, đồng thuận.
“Cần đánh giá tác động sâu rộng, kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời cần lưu tâm về thẩm quyền ban hành điều chỉnh giá đất là của Hội đồng nhân dân…”, luật sư Hòa nói.
Ông Võ Minh Mẫn, một người dân quận 10, cũng đề nghị cần thu thập, xây dựng bảng giá đất điều chỉnh cho thật chính xác vì theo ông, giá đất này chưa sát với giá thị trường.
Trao đổi lại các ý kiến phản biện trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho rằng dự thảo bảng giá đất điều chỉnh là kết quả cập nhật 1.300 vị trí đất đã phê duyệt bồi thường tại các dự án và 97.000 giao dịch thời gian gần đây trên địa bàn TP.
“Đơn vị tư vấn đã thực hiện thu thập, tổng hợp, so sánh, chiết trừ… để cho ra bảng giá đất điều chỉnh. Bảng giá đất này còn phải được Hội đồng giá đất TP thẩm định lại”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên phản biện tiếp, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – phân tích các tác động bất lợi của việc điều chỉnh giá đất thời điểm này và đề nghị chưa nên ban hành.
Đồng tình, bà Ung Thị Xuân Hương – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM – cũng đề nghị cần điều chỉnh giá đất nhưng phải theo lộ trình, thời gian và xem lại phương pháp định giá. Bên cạnh đó, cần thêm thời gian cho người dân phản biện nhiều hơn.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, luật sư, đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng thống nhất là cần thiết xây dựng bảng giá đất mới nhưng nên có lộ trình, đánh giá tác động thật kỹ và cần tuyên truyền cho người dân đồng thuận.