Chiều 27-9, phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã cho ý kiến về thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức
Đáng chú ý, liên quan thanh tra di sản văn hóa, tại dự thảo tiếp thu, chỉnh lý mới nhất đã có chỉnh sửa so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội trước đó.
Cụ thể, dự thảo mới nhất quy định cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan tham mưu giúp quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở trung ương để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Đồng thời đề xuất Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Như vậy, so với dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, dự thảo mới nhất đã bỏ nội dung quy định về nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Thẩm tra sơ bộ về nội dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho hay thường trực ủy ban đang chờ ý kiến chính thức của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có hay không quy định nội dung này trong luật.
Theo ông Lượng, ý kiến của Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật.
Trước đó, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên chuyên đề pháp luật tháng 8-2024 về dự án luật để đảm bảo thống nhất với Luật Thanh tra đã đề nghị Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo luật hay quy định tại nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.
Ưu tiên điều chỉnh trong Luật Thanh tra
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay thường trực ủy ban, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan khác có quan điểm thanh tra thực hiện theo Luật Thanh tra.
Theo ông Vinh, trong Luật Thanh tra có giao Chính phủ quy định chi tiết một số trường hợp đặc thù, nhưng trong nghị định của Chính phủ hướng dẫn về Luật Thanh tra hiện nay lại không quy định nội dung này có cơ chế đặc thù.
Cơ quan soạn thảo có viện dẫn trong Luật Thanh tra, nghị định của Chính phủ có điều khoản cho phép quy định ở luật chuyên ngành về thanh tra. Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo Ủy ban Pháp luật có nêu để đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật thì ưu tiên điều chỉnh trong luật thanh tra.
Về thanh tra đặc thù, không phải chỉ có cơ quan thanh tra mới làm nhiệm vụ thanh tra mà trong một số trường hợp sẽ giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thực hiện nhiệm vụ thanh tra, do đó vẫn thực hiện được.
Ông Vinh nhấn mạnh về phía ủy ban đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức trong văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem sẽ quy định vấn đề thanh tra di sản văn hóa ở luật này hay sửa nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra. Hiện nay, ủy ban chưa nhận được văn bản này.