Tại phiên họp, tiểu ban đã rà soát các công việc đã triển khai; xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; cho ý kiến với dự thảo báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030), phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2026 – 2030.
Các đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, phân tích sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góc nhìn để tiếp tục triển khai các công việc của tiểu ban và tập trung hoàn thiện dự thảo báo cáo để trình Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương 10 sắp tới.
Kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục bám sát đề cương đã được Trung ương thông qua, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, các văn kiện của Đảng đã ban hành trong nhiệm kỳ.
Kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại
Đặc biệt là cần nhất quán với báo cáo chính trị về những tư tưởng, quan điểm lớn, nội dung trọng tâm; bám sát các ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp thường trực Tiểu ban Văn kiện ngày 14-8.
Trong đó lưu ý, báo cáo cần có cái nhìn bao quát, tổng thể, toàn diện, khách quan, thẳng thắn, cầu thị, đổi mới sáng tạo, có đột phá, giải pháp đúng, trúng, khả thi, bảo đảm nguồn lực thực hiện, nằm trong tổng thể sự phát triển chung của đất nước, phù hợp với xu thế, dòng chảy của thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cần đánh giá những kết quả, thành tựu đó đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong gần bốn thập kỷ đổi mới, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Cùng đó phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, các bài học kinh nghiệm quan trọng.
Trên cơ sở đó, báo cáo cần cố gắng dự báo sát tình hình, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.
Điều quan trọng là phải luôn giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định các vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phát triển, đột phá để ổn định, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển, thúc đẩy quá trình đổi mới; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện đột phá mạnh mẽ hơn nữa về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nhân lực theo hướng “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”.
Làm mới các động lực tăng trưởng
Đặc biệt là cần hoàn thiện thể chế để huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, gồm nguồn lực trong nước, nguồn lực ngoài nước, nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp.
Đồng thời khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khoáng sản, vùng trời, vùng biển…) đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển hài hòa, bền vững; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.
Thủ tướng lưu ý phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy quyết liệt các động lực tăng trưởng mới.
Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa, thực hiện chính sách an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, tổng thể, hội nhập, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bảo đảm quốc phòng – an ninh và thúc đẩy đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.