Thiếu vốn làm đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao
Cử tri Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, công ty cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn dài hạn để đầu tư phát triển bền vững chuỗi lúa gạo.
Theo ông Bình, đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 có nêu 100% diện tích phải được liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân, trong đó doanh nghiệp có vai trò chính trong khâu tiêu thụ.
Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay dài hạn trong đề án. Đề nghị có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn cho doanh nghiệp sớm được tiếp cận nguồn vốn.
Cử tri Cao Văn Tuấn phản ảnh quốc lộ 80 cặp sông Cái Sắn là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối cầu Vàm Cống đi TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên đoạn từ vàm sông Cái Sắn đến cầu số 1 thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt vừa xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng với chiều dài khoảng 41m, chiều rộng 4m.
“Do đó, việc đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở khẩn cấp trên đoạn quốc lộ 80 cặp sông Cái Sắn là rất cần thiết và cấp bách. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương khảo sát giải quyết, khắc phục tình trạng sạt lở trong thời gian sớm nhất”, ông trình bày.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết trước tình hình sạt lở tại khu vực đầu cồn Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt), năm 2021, UBND TP Cần Thơ đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, xem xét bổ sung dự án kè chống sạt lở khẩn cấp trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí 400 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn thực hiện.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng trung ương sớm hỗ trợ vốn để khẩn trương tổ chức thực hiện đầu tư dự án kè này.
Ưu tiên nguồn lực chống sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long
Thay mặt các đại biểu Quốc hội phúc đáp các kiến nghị của cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết những năm qua chính phủ ưu tiên nguồn lực chống sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long, riêng năm 2023 là 5.000 – 6.000 tỉ đồng.
Năm nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án tổng thể về phòng chống sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó huy động nguồn lực nhà nước và ngoài nhà nước để làm.
Về dự án chống sạt lở 400 tỉ đồng ở đầu cồn Tân Lộc và dự án chống sạt lở ở quốc lộ 80 mà đại biểu phản ảnh, Thủ tướng giao các cơ quan hữu quan rà soát lại cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm cả hai khu vực mà cử tri kiến nghị, trong đó có ưu tiên giải quyết trước những dự án mang tính cấp bách.
Về kiến nghị tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp tham gia đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Chính phủ đã có quyết định 1490 giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 9-7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tờ trình phê duyệt chương trình cho vay theo quyết định 1490. Sau khi xem xét từ các cơ quan tham mưu, Chính phủ sẽ phê duyệt chương trình này để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
“Chúng ta cùng nhau thực hiện cho bằng được chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp này, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp của TP Cần Thơ. Ngoài vốn ưu đãi còn có các kênh vốn khác, tôi đang chỉ đạo ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay”, ông nói.