Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng dự.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng tập thể Ban Thường vụ Thành ủy tiếp đón và làm việc cùng đoàn công tác.
Kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù để di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô
Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thời gian qua TP đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng là: Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội tầm nhìn 2065 hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về kinh tế, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% – cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt gần 324.000 tỉ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53.000 tỉ đồng, đạt 36% dự toán.
Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỉ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỉ USD.
Đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng, ông Thanh mong muốn Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt các đồ án quy hoạch Hà Nội và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội tầm nhìn 2065 để tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội.
Đồng thời có các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô…
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ một số dự án đường sắt đô thị, dự án giao thông, quy hoạch, nhà ở, xử lý vướng mắc cho các dự án chậm triển khai và một số vấn đề cụ thể khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội về mọi mặt.
Phát triển thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, giao Văn phòng Chính phủ và TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến xác đáng, ban hành văn bản thông báo ý kiến kết luận để tổ chức thực hiện hiệu quả thời gian tới.
Thủ tướng cho biết “rất ấn tượng” 10 điểm sáng trong những tháng đầu năm của Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, triển khai các nhiệm vụ chính trị.
Đáng chú ý, kinh tế thủ đô phục hồi, tăng trưởng được thúc đẩy, thu ngân sách đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, FDI đạt kết quả tích cực, đầu tư công cơ bản khắc phục được tình trạng dàn trải.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân Hà Nội và những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý những điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Hà Nội.
Cụ thể, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, thấp hơn mức tăng của cả nước. Tiềm năng huy động nguồn lực xã hội rất lớn nhưng cơ chế, chính sách, cách làm chưa tương xứng tiềm năng. Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn là vấn đề cần khắc phục. Tỉ lệ hộ dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch mới đạt 90%.
Một số dự án hạ tầng chiến lược chưa bảo đảm tiến độ. Thiếu các sự kiện, chuỗi các sự kiện văn hóa thể thao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 giảm bậc so với năm 2022. Tình hình tội phạm, cháy nổ diễn biến phức tạp…
Theo Thủ tướng, phát triển thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và phát triển Hà Nội luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì thủ đô Hà Nội”.
Chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các bộ, ngành liên quan rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và mới nhất là các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy ngày 9-8 vừa qua.
Đồng thời phải thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, hành chính, ý thức của cán bộ, công chức để huy động mọi nguồn lực phát triển thủ đô.
Ngoài ra cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, giảm phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển văn hóa xứng tầm thủ đô văn minh…
Về nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường vành đai 4.
Theo Thủ tướng, phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng thủ đô thông minh. Hà Nội cũng cần phải nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sự hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính, phấn đấu nằm trong nhóm 5-10 địa phương tốt nhất về các chỉ số này.
Từng bước giải quyết các vấn đề về hạ tầng đô thị liên quan tới giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, xã hội…
Về y tế, giáo dục, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không để thiếu thuốc, nhân lực y tế và chuẩn bị tốt cho năm học mới. Hà Nội phải làm tốt công tác cải cách tiền lương gắn với kiểm soát tốt giá cả thị trường, nhất là bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để thiếu hụt lương thực, thực phẩm và xăng dầu.