G7 kêu gọi giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông
Ngày 2-10, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kêu gọi giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bằng biện pháp ngoại giao.
Tuyên bố của lãnh đạo các nước G7 được đưa ra sau cuộc họp khẩn bằng hình thức trực tuyến do Thủ tướng Ý Giorgia Meloni chủ trì. Ý hiện là Chủ tịch của G7 với các nước thành viên còn lại là Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản.
G7 bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” trước những leo thang căng thẳng gần đây ở Trung Đông, nhấn mạnh rằng cuộc xung đột trên khắp khu vực không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, đồng thời tái khẳng định rằng “một giải pháp ngoại giao vẫn có thể thực hiện được”.
Trong ngày 2-10, Bộ Y tế Lebanon cho biết số người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel nhằm vào nhiều khu vực khác nhau ở nước này trong 24 giờ qua đã lên tới 46 người, ngoài ra còn có 85 người bị thương.
Còn tại Gaza, theo một số nguồn tin Palestine, 3 người đã thiệt mạng và 15 người khác bị thương trong một cuộc không kích của Israel ở khu vực miền trung dải đất này.
Liên Hiệp Quốc phản đối cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự phản đối cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel hôm 1-10.
Phát biểu tại phiên họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tình hình Trung Đông ngày 2-10, ông Guterres cho biết Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo về phía Israel.
Iran tuyên bố đây là hành động đáp trả việc một số nhân vật của nước này cũng như của các phong trào Hamas và Hezbollah bị thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel trước đó. Tuy nhiên, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng nghịch lý là cuộc tấn công của Iran không hỗ trợ cho sự nghiệp của người dân Palestine hay giảm bớt đau khổ của họ.
Cùng ngày, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các quốc gia, bao gồm cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hành động kiên quyết để ngăn chặn một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Công dân Mỹ thiệt mạng tại Lebanon
Một công dân Mỹ từ bang Michigan đã thiệt mạng tại Lebanon. Bạn bè và hàng xóm của người này nói rằng anh ta đã chết trong một cuộc không kích của Israel.
“Chúng tôi vô cùng đau buồn trước cái chết của Kamel Ahmad Jawad và chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè của anh ấy. Cái chết của anh ấy là một thảm kịch, cũng giống như cái chết của nhiều thường dân ở Lebanon”, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết.
Chiến dịch quân sự gần đây của Israel tại Lebanon đã giết chết hàng trăm người, làm bị thương hàng nghìn người và khiến hơn 1 triệu người phải di dời. Israel cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào các chiến binh Hezbollah được Iran hậu thuẫn.
Theo Detroit News, Jawad đang ở Lebanon để chăm sóc mẹ già.
Ông Biden và bà Harris thăm nơi bị bão Helene tàn phá
Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã đến thăm South Carolina, North Carolina và Georgia trong ngày 2-10 để tận mắt chứng kiến sự tàn phá do cơn bão Helene gây ra ở đông nam nước Mỹ, khiến ít nhất 160 người thiệt mạng.
Từ trên trực thăng, ông Biden có thể nhìn thấy sự tàn phá khủng khiếp ở một số vùng của North Carolina, bao gồm Asheville và Chimney Rock. Ở Asheville, nhiều ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại lớn nhất xảy ra ở gần các con sông.
Nhiều người dân sống trong khu vực vẫn bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, ngay cả khi máy bay chở tổng thống Mỹ bay qua trên đầu họ.
“Trong khoảnh khắc như thế này, chúng ta hãy gạt chính trị sang một bên”, ông Biden phát biểu tại Raleigh. “Không có đảng viên Dân chủ, Cộng hòa, chỉ có người Mỹ. Và nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ càng nhiều người càng tốt, càng nhanh càng tốt và càng triệt để càng tốt”.
Trước khi rời Washington, ông Biden đã chỉ đạo 1.000 quân nhân hỗ trợ các nỗ lực ứng phó và phục hồi. Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết gần 6.000 thành viên của Vệ binh Quốc gia đã được triển khai trên khắp sáu tiểu bang bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết hơn 10 triệu USD đã được cung cấp trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Hơn 4.800 nhân viên liên bang đã được triển khai để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi, cùng với 8,8 triệu bữa ăn, hơn 7,4 triệu lít nước và 150 máy phát điện khẩn cấp.
Ông Trump huy động được hơn 160 triệu USD trong tháng 9
Chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã huy động được hơn 160 triệu USD vào tháng 9 và kết thúc tháng với 283 triệu USD tiền mặt.
Con số này đánh dấu mức tăng 23% so với 130 triệu USD huy động được vào tháng 8.
Chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Kamala Harris và Đảng Dân chủ đã huy động được 361 triệu USD vào tháng 8, giúp bà có lợi thế rõ ràng về tiền mặt so với ông Trump
Một quan chức chiến dịch cho biết bà Harris cũng đã huy động được 55 triệu USD trong hai sự kiện diễn ra vào cuối tuần qua.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris vẫn chưa công bố số liệu chính thức của Đảng Dân chủ vào tháng 9.
Bom dẫn đường của Nga đánh trúng chung cư 5 tầng ở Kharkov
Một quả bom dẫn đường của Nga đã đánh trúng một tòa nhà chung cư 5 tầng ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, vào đêm 2-10, gây ra hỏa hoạn và làm bị thương ít nhất 10 người.
Thống đốc khu vực Kharkov Oleh Syniehubov cho biết quả bom đã đánh trúng giữa tầng ba và tầng bốn của tòa nhà ở quận Saltivka.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết cuộc tấn công này đã nhấn mạnh nhu cầu cần có thêm sự giúp đỡ từ phương Tây. Ông chỉ ra cuộc tấn công của Iran vào Israel như một ví dụ về các đồng minh hợp tác với nhau.
Ông Zelensky cho biết để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, “Ukraine phải nhận được sự giúp đỡ cần thiết và quan trọng nhất là đủ, từ thế giới, từ các đối tác”.
“Mọi nhà lãnh đạo đều biết chính xác những gì cần phải làm. Điều quan trọng là phải quyết đoán”, ông Zelensky viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Binh sĩ Mexico nổ súng vào người di cư, 6 người thiệt mạng
Một số binh sĩ Mexico đã giết chết 6 người khi họ nổ súng vào một nhóm 33 người di cư đang đi trên một chiếc xe bán tải cố gắng trốn tránh lực lượng chức năng.
Vụ việc xảy ra vào tối 1-10 (giờ địa phương) khiến 10 người khác bị thương, trong đó có công dân Ai Cập, Nepal, Cuba, Ấn Độ và Pakistan.
Bộ Quốc phòng Mexico cho biết hai quân nhân đã bị cách chức. Tòa án quân sự đã tiến hành điều tra vụ việc.
Tapachula, ở phía nam bang Chiapas, là điểm nhập cảnh vào Mexico của nhiều người di cư muốn đến Mỹ để chạy trốn bạo lực và đói nghèo.
Chiapas cũng là nơi diễn ra các cuộc đụng độ giữa các băng nhóm. Vào tháng 7, các cuộc chiến giành địa bàn đã khiến khoảng 600 người phải chạy trốn qua biên giới vào Guatemala.
Từng là một ngôi trường