Như đã thông tin, dịp 20-11 rất nhiều phụ huynh tặng hoa, quà… chúc mừng thầy cô giáo trong ngày vui chung của nghề. Tuy nhiên, cũng có một số thầy cô giáo vì lý do nào đó đã từ chối các món quà hoặc trả lại quà cho phụ huynh.
Câu chuyện của một thầy giáo ở một trường THCS ở An Giang gửi đến Tuổi Trẻ Online góp thêm góc nhìn về nghề cao quý này.
Trả lại rất ngại nhưng nếu nhận còn ngại hơn nhiều
Trong lúc đang ngồi dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi nhận được tin nhắn điện thoại báo tài khoản được cộng thêm 500.000 đồng.
Lúc đầu tôi ngạc nhiên vì không biết ai đã nạp tiền điện thoại cho mình nhiều đến vậy nhưng chỉ sau đó một chút thì nhận được tin nhắn của phụ huynh.
Theo nội dung tin nhắn, phụ huynh muốn gửi quà Ngày Nhà giáo Việt Nam cho tôi thay lời cảm ơn.
Thật lòng, tôi cảm thấy khó xử vì tài khoản của tôi đã được nhà mạng cộng tiền, không thể chuyển trả được. Nhưng tôi không thể nhận món quà này.
Ngay sau khi nhận được tin nhắn của phụ huynh, tôi đã xin số tài khoản để chuyển tiền trả lại nhưng phụ huynh không cho số tài khoản.
Tuy vậy, tôi đã nhắn tin là sẽ trả lại số tiền này. Sau đó tôi bỏ 500.000 đồng vào phong bì, gấp vào quyển tập trắng và nói với học sinh nội dung: “Thầy gửi lại cho gia đình em số tiền mà mẹ em đã nạp điện thoại cho thầy”.
Sau đó tôi nhắn lại cho phụ huynh lời cảm ơn và nói đã gửi tiền cho học trò. Có lẽ phụ huynh cũng ngại khi nhận lại số tiền tôi gửi trả nhưng nếu tôi nhận thì bản thân tôi còn ngại hơn rất nhiều.
Việc trả lại số tiền mà phụ huynh đã nạp cho tôi không phải là lần đầu, bởi thỉnh thoảng tôi cũng nhận được tin nhắn tương tự trong ngày 20-11.
Hoặc cũng có khi nhận được phong bì của học trò kẹp trong bó hoa nhưng chưa bao giờ tôi nhận cho riêng mình. Không phải bản thân tôi chê tiền hay sĩ diện gì nhưng trong thâm tâm tôi luôn nhắc mình đây là những món quà nhạy cảm, không phù hợp trong môi trường giáo dục.
Tôi không nhận quà của phụ huynh hay học sinh, tôi vẫn dạy các em chu đáo, nhiệt tình bằng tất cả khả năng, nhiệt huyết của mình. Hơn nữa, tôi sẽ dễ dàng trong dạy dỗ, đánh giá kết quả học tập của học trò.
Phụ huynh không nên vật chất hóa những món quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
Thực lòng, trong thâm tâm tôi và có lẽ số đông thầy cô giáo đã và đang giảng dạy ở các trường luôn rất cần tiền để duy trì cuộc sống hoặc để cuộc sống tốt hơn. Nhưng không phải vì thế mà dễ dàng đưa tay nhận những chiếc phong bì từ tay trò, tay phụ huynh hay chuyển khoản, nạp điện thoại…
Số tiền ấy có thể nhiều hoặc không nhiều, có thể là tấm lòng và cũng có thể là dụng ý của phụ huynh muốn thầy cô quan tâm đến con em họ… Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa cũng đều rất nhạy cảm.
Nếu học sinh đạt điểm cao, chắc gì phụ huynh không nói rằng có một phần do phụ huynh đã “quan tâm” đến thầy cô. Nếu học sinh bị điểm thấp, biết đâu phụ huynh không trách thầy cô đã nhận quà cáp như vậy mà không quan tâm, vô tình với học trò.
Vì vậy, bản thân tôi luôn tâm niệm rằng không nên nhận quà của học sinh hoặc phụ huynh gửi tặng vẫn là điều cần thiết.
Thứ nhất, bản thân người thầy không bị ràng buộc vì bất cứ điều gì trong đánh giá điểm số của học trò.
Thứ hai, tạo cho môi trường giáo dục trong sáng.
Thứ ba, thầy cô và phụ huynh thoải mái trong việc trao đổi, ứng xử với nhau trong quá trình quản lý, giáo dục học trò.
Mỗi năm có một ngày 20-11, ngày mà nhiều người dành cho đội ngũ nhà giáo sự quan tâm đặc biệt.
Song, suy cho cùng điều mà nhiều thầy cô mong muốn nhất là phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh được tốt nhất.
Đừng vật chất hóa món quà tặng thầy cô vì không phải thầy cô nào cũng vui vẻ nhận quà mà nhiều khi việc trao – nhận quà lại tạo ra sự khó xử cho cả hai phía.
Tất cả học trò đều được dạy và đánh giá bình đẳng như nhau sẽ tạo ra sự công bằng.
Tiền, hay một món quà giá trị đều rất cần thiết với những giáo viên – nhất là những thầy cô có thâm niên nghề ít, không dạy thêm, nhưng không phải vì vậy mà thầy cô nhận những món quà nặng tính vật chất của phụ huynh.
Vì vậy, khi gởi trả lại số tiền 500.000 đồng cho phụ huynh mừng ngày 20-11, lương tâm tôi cảm thấy thanh thản.