Ngày 2-8, tại lễ ra mắt Trung tâm sinh hoạt và chăm sóc người cao tuổi Genki House ở quận 7, TP.HCM, ông Lê Chu Giang – phó trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM – cho biết hiện trên địa bàn thành phố có một số cơ sở bảo trợ, chăm sóc cho người cao tuổi và người có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở này không thu phí do tổ chức nhà nước cung cấp dịch vụ xã hội.
Tuy nhiên, cùng với quá trình xã hội hóa, gần đây thị trường đã bắt đầu xuất hiện các cá nhân đầu tư, xây dựng những trung tâm dành cho người cao tuổi ở Nhà Bè, Củ Chi…
“Tuy vậy, thị trường vẫn thiếu những mô hình lưu trú ban ngày tích hợp các dịch vụ y tế, giải trí dành cho người cao tuổi ngay trung tâm thành phố. Nhu cầu này hiện rất cao khi dân số đang già hóa nhanh, người cao tuổi vẫn muốn sống cùng gia đình nhiều thế hệ nhưng vẫn có thời gian tiếp xúc, có không gian giao tiếp riêng với bên ngoài”, ông Lê Chu Giang chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, chủ đầu tư dự án Tổ hợp chăm sóc người cao tuổi Genki gồm Genki Plaza và Genki House, tổ hợp đã được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi tại Việt Nam.
“Mô hình này sẽ giải quyết hai vấn đề lớn trong việc chăm sóc người cao tuổi ở các đô thị lớn. Con cháu có thể yên tâm và không lo lắng khi ông bà, cha mẹ được ‘đến trường’ hàng ngày, sinh hoạt vui vẻ trong cộng đồng cùng thế hệ, được chăm sóc sức khỏe và luyện tập tinh thần, thể chất hiệu quả.
Ở chiều ngược lại, việc ‘đến trường’ ban ngày và trở về với con cháu vào chiều tối là giải pháp hài hòa, hợp lý hơn việc tách hoàn toàn khỏi gia đình như các mô hình viện dưỡng lão khác”, bà Oanh chia sẻ thêm.
Trước khi thành lập mô hình “mở trường” cho người cao tuổi, các nhà đầu tư đã tham quan nhiều mô hình chăm sóc ban ngày ở các quốc gia khác và quyết định theo mô hình của Nhật Bản – quốc gia có tỉ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới và nổi tiếng với các dịch vụ chăm sóc tốt nhất.
Với hội đồng cố vấn y khoa gồm các bác sĩ lão khoa, bác sĩ y học cổ truyền và bác sĩ vật lý trị liệu từ nhiều bệnh viện lớn tại TP.HCM, các hội viên của Genki House không chỉ được theo dõi sức khỏe thường xuyên mà còn nhận được tư vấn riêng về chế độ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt và dinh dưỡng khi cần thiết.
Cùng thời điểm khai trương Genki House, siêu thị cho người cao tuổi Genki Plaza cũng ra mắt, trực thuộc hệ sinh thái Genki. Với diện tích 1.200m² với hơn 400 sản phẩm, Genki Plaza là khu phức hợp gồm khu ẩm thực, khu bán lẻ thực phẩm chức năng, nông sản sạch từ Genki Farm, các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ luyện tập, sinh hoạt cho người cao tuổi.
Genki Plaza còn có khu vực tập yoga, spa, thư giãn. Các mặt hàng tại đây đều được chọn lựa phù hợp với sức khỏe và nhu cầu của người cao tuổi.
Theo bà Oanh, người cao tuổi thường cảm nhận rõ sự thay đổi của tuổi tác và nếu không được quan tâm chăm sóc, họ dễ rơi vào trạng thái cô đơn, cảm giác bị lãng quên.
Tốc độ già hóa ở Việt Nam tăng nhanh
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), số người cao tuổi của Việt Nam sẽ đạt 16,8 triệu vào năm 2039 và 25,2 triệu vào năm 2069.
Từ năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, với 14,2% dân số từ 65 tuổi trở lên. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.