TP.HCM phát triển kinh tế công nghệ cao: Tất yếu và cấp bách

Thực hành robot tự động hóa tại Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt – Nhật trong Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Kinh tế TP.HCM sẽ chuyển đổi sang theo hướng công nghệ cao, xanh và số.

Hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu, cùng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các chiến lược linh hoạt và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ giúp TP.HCM đạt được mục tiêu của mình.

Tình hình thay đổi và phải có cách thích ứng

Ông Nguyễn Trung Chính, Tập đoàn công nghệ CMC, đặt câu hỏi với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên đối thoại chính sách: “Vừa rồi nhân dịp 2-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có nêu về chuyển đổi số như một cuộc cách mạng và là động lực để cho việc thay đổi quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất. Thủ tướng có cho rằng chuyển đổi số là một cuộc cách mạng và là động lực hay không?”.

Ông Chính cũng dẫn chứng thêm trí tuệ nhân tạo (AI) ngày một phát triển và dự đoán đến năm 2030 tạo ra 15.700 tỉ USD, tăng trưởng 15%. Việt Nam nếu áp dụng tốt thì cũng có thể tạo ra GDP từ 150 – 200 tỉ USD.

Thẳng thắn trả lời câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vấn đề này vừa phù hợp xu thế thế giới, vừa đúng hoàn cảnh Việt Nam, phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và trên thực tế Việt Nam đang đi theo hướng như vậy. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ giúp tăng cường, làm mạnh hơn lực lượng sản xuất mà còn góp phần thực hiện quan hệ sản xuất tiên tiến. Đây là chủ trương lớn mà Việt Nam đang đi đúng hướng.

Thủ tướng cho rằng chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.

Muốn làm được điều này, ông nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vừa qua TP.HCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với đó phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, việc này TP.HCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.

TP.HCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành công của nhà đầu tư là thành công của TP.HCM và của Việt Nam.

“Tình hình thay đổi và chúng ta phải có cách thay đổi ứng xử sao để thích ứng với tình hình, tiếp tục phát triển đi lên. Giải pháp cũng như cách làm phải thay đổi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.

TP.HCM phát triển kinh tế công nghệ cao: Tất yếu và cấp bách - Ảnh 2.

Khách mời quốc tế tham dự phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần mạnh dạn cam kết phát triển xanh hơn, số hóa hơn

Nói về định hướng, mục tiêu mới của TP.HCM, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã hiến kế nhiều nội dung về chuyển đổi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quá trình chuyển đổi số, kinh tế xanh… Ông Rich McClellan – giám đốc quốc gia Viện Tony Blair, vì sự thay đổi toàn cầu tại Việt Nam – cho rằng để lựa chọn các ngành công nghiệp phù hợp nhất cho TP.HCM, cần áp dụng bộ tiêu chí đánh giá dựa trên ba khía cạnh chính: tác động của ngành, lợi thế cạnh tranh và sự phù hợp với các chiến lược quốc gia và của TP.

“Dựa theo nghiên cứu của viện, có bốn ngành chiến lược TP cần được ưu tiên đầu tư và phát triển. Bao gồm ngành điện tử và sản xuất công nghệ cao; kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin; năng lượng tái tạo và công nghệ xanh; cuối cùng là tài chính xanh. TP cần sớm đạt được khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và phát triển tài chính xanh nhằm cung cấp nguồn vốn thiết yếu cho phát triển bền vững”, ông Rich McClellan gợi ý.

Trong khi đó, bà Kiva Allgood – giám đốc Trung tâm Sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng, thành viên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – nhận định các xu hướng lớn đang thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp sẽ đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội đáng kinh ngạc cho TP.HCM và Việt Nam. Đặc biệt, cùng với sự thành lập Trung tâm C4IR (Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0) tại TP.HCM – Việt Nam, Chính phủ, ngành công nghiệp và các chuyên gia có thể cùng nhau nắm bắt thời điểm này và định hình tương lai của ngành sản xuất. “Việt Nam cần triển khai mọi giải pháp khác biệt và mạnh dạn cam kết để phát triển xanh hơn, số hóa hơn vì đó là hai thành phần tốt nhất để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, đại diện WEF trong diễn đàn chia sẻ.

Xác định chuyển đổi xanh là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển bền vững không chỉ của TP.HCM mà còn ở Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ trình Thủ tướng về việc thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Ông Phạm Thanh Hà – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cũng nêu ra những ưu tiên mà ngành ngân hàng dành cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, với các chính sách lãi suất ưu đãi và hạn mức tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh trong 5 năm qua đã tăng 22%, cao hơn 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của toàn ngành ngân hàng.

TP.HCM cam kết tạo môi trường pháp lý thông thoáng và chính sách hỗ trợ linh hoạt.

TP.HCM phát triển kinh tế công nghệ cao: Tất yếu và cấp bách - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

TP.HCM sẽ nắm bắt cơ hội để phát triển

Ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND TP.HCM – nhấn mạnh rằng TP sẽ tập trung phát triển hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trung tâm C4IR sẽ đóng vai trò trọng tâm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến. “Chuyển đổi công nghiệp 4.0 là bước tiến tất yếu, và với sự quyết tâm cùng các chính sách linh hoạt, TP.HCM sẽ nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững”, ông Mãi khẳng định.

Với khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của cả nước. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0, ông Mãi cam kết tạo môi trường pháp lý thông thoáng và chính sách hỗ trợ linh hoạt. Các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng đang được đẩy mạnh để giúp các doanh nghiệp nắm bắt và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Trong suốt thời gian chủ trì phiên đối thoại chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định vai trò của giáo dục, đào tạo con người trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Ông cho rằng muốn phát triển khoa học công nghệ trước hết phải phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng rất quan trọng. Đảng xác định giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đã ban hành các nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục làm nền tảng cho phát triển khoa học công nghệ, như chuyển từ trang bị kiến thức đơn thuần sang kiến thức toàn diện.

“Phải sửa đổi các quy định để phát triển thị trường khoa học công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ là một loại hàng hóa có thể giao dịch trên thị trường một cách công khai, minh bạch, đúng giá trị, tuân thủ quy luật thị trường. Lấy nguồn lực Nhà nước là vốn mồi, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Cùng với đó tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để bộ máy quản lý khoa học công nghệ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có cơ chế, chính sách khuyến khích sự năng động, sáng tạo vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, trong đó có giải pháp về cán bộ”, Thủ tướng khẳng định.

Trúng và đúng với TP.HCM

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong tổng thể chuyển đổi của Việt Nam thì có nội dung chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Vì vậy vấn đề đặt ra tại diễn đàn là rất trúng và đúng với bối cảnh hiện nay.

TP.HCM đã được trung ương cho phép thí điểm các cơ chế vượt trội nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn. Các cơ chế này bao gồm việc hỗ trợ tài chính, cải tiến chính sách thuế và thu hút đầu tư từ nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, sẽ là điều kiện cho thành phố hiện thực hóa các mục tiêu của mình.

Đã có những quyết định then chốt

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, một trong những chiến lược quan trọng là Việt Nam xây dựng các trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, giúp cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin của mình. Trong Luật Viễn thông sửa đổi, Chính phủ đã mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư mà không bị giới hạn tỉ lệ góp vốn, đồng thời áp dụng cơ chế hậu kiểm để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 là chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hai quyết định quan trọng: Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip.

“Đây là hai quyết định mang tính then chốt, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, Thứ trưởng Phương chia sẻ. Chính phủ sẽ dành nguồn ngân sách để xây dựng phòng thí nghiệm quốc gia, giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Đồng thời Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và bán dẫn.

TS Chad Bown (kinh tế trưởng, Bộ Ngoại giao Mỹ):

Mỹ sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi công nghiệp

TP.HCM phát triển kinh tế công nghệ cao: Tất yếu và cấp bách - Ảnh 4.

TS Chad Bown

Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong những năm gần đây, thúc đẩy sự đổi mới và sự phát triển của các dịch vụ mới như công nghệ tài chính (fintech). Tuy nhiên sự tăng trưởng nhanh chóng này cũng đặt ra yêu cầu cho Việt Nam trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng số với các trung tâm dữ liệu mới, cáp ngầm dưới biển và mạng 5G.

Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như trung tâm dữ liệu hay sản xuất bán dẫn cũng nhấn mạnh nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo tại TP.HCM. Sự ủng hộ kiên định của chúng tôi đối với việc đầu tư liên tục của các công ty năng lượng hàng đầu Mỹ vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo của Việt Nam chứng minh vai trò quan trọng của ngành này đối với sự tăng trưởng và chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM.

GS.TS Keun Lee (Đại học Canada, nguyên phó chủ tịch Hội đồng cố vấn quốc gia Hàn Quốc):

TP.HCM có thể là đầu tàu với cách làm mới

TP.HCM phát triển kinh tế công nghệ cao: Tất yếu và cấp bách - Ảnh 5.

GS.TS Keun Lee

Hiện nay GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 20% so với Mỹ, mục tiêu tăng lên 40% là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong đó TP.HCM có thể trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bài học từ Malaysia và Chile cho thấy TP.HCM không nhất thiết phải tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin (lắp ráp) mà nên chú trọng vào sản xuất chế biến dựa trên tài nguyên sẵn có, với mô hình các doanh nghiệp do người địa phương sở hữu, hướng đến xuất khẩu và ứng dụng tri thức. Trong đó cần khuyến khích phát triển các ngành chế biến nông sản.

Kinh nghiệm từ thành công của thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) và Penang (Malaysia) cũng khẳng định mặc dù việc thu hút và học hỏi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất quan trọng, nhưng Việt Nam cần tạo ra các doanh nghiệp có tính đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ do người Việt sở hữu trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự can thiệp chính sách, không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoặc giáo dục, mà còn thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp bản địa.

Phát huy kinh tế tư nhân tham gia đầu tư

TP.HCM phát triển kinh tế công nghệ cao: Tất yếu và cấp bách - Ảnh 4.

Sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) trong một buổi học về triển khai dự án IT với SCRUM – Ảnh: TRƯƠNG DŨNG

Trong phần đối thoại với Thủ tướng, TS Nguyễn Thị Phương Thảo – phó chủ tịch hội đồng quản trị HDBank, chủ tịch hội đồng quản trị Sovico Group, thành viên sáng lập C4IR – đặt câu hỏi: Bộ Chính trị đã thông qua nghị quyết về vai trò của kinh tế tư nhân, động lực tăng trưởng kinh tế. Vậy Chính phủ có những chiến lược dài hạn nào để khuyến khích hợp tác công tư (PPP) để tạo thành động lực tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp mũi nhọn?

Giải đáp về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Trước hết phải thể chế hóa, vướng mắc nhất là thể chế nhưng Chính phủ đang từng bước tháo gỡ, đặc biệt là Luật Hợp tác công tư ban hành chưa phát huy được nhiều tác dụng trong việc sửa đổi. Ngoài ra còn có chính sách động viên khuyến khích khác, hợp tác các thành phần kinh tế với nhau.

Ông nhấn mạnh giữa kinh tế nhà nước và tư nhân phải có tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, thông cảm với nhau. Trên cơ sở đó có tiếng nói chung để khuyến khích khối kinh tế tư nhân.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *