Sáng 7-8, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thực hiện các công tác dọn dẹp, chuẩn bị tại ga S1. Sau đó có chuyến trải nghiệm metro từ ga S1 (Nhổn) đến ga S8 (Cầu Giấy) thuộc dự án metro Nhổn – ga Hà Nội trước thời điểm vận hành thương mại.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, các công nhân đã quét dọn, vệ sinh khu vực nhà ga; một tốp thợ khác tháo thang cuốn lên xuống ga để kiểm tra, sửa chữa lại trước khi đưa vào vận hành.
Sau đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã cho một số người dân và các đơn vị báo chí trải nghiệm thử tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội từ ga S1 (Nhổn) đến ga S8 (Cầu Giấy).
Công nhân dọn vệ sinh nhà ga, bảo dưỡng hệ thống thang cuốn và hệ thống máy bán vé tự động trước thời điểm khai thác thương mại – Ảnh: PHẠM TUẤN
Tàu “giật cục” khi khởi hành và dừng, các đơn vị nói gì?
Đoàn tàu đi vào ga, bắt đầu cho người dân trải nghiệm – Ảnh: PHẠM TUẤN
Qua trải nghiệm, mỗi lần tàu rời ga hoặc dừng lại đều xảy ra hiện tượng “giật cục”. Nếu hành khách chưa ổn định vị trí hoặc bám không chắc vào các tay nắm được bố trí trên tàu có thể bị lao người về phía trước hoặc bị ngã.
Với những khách có ghế ngồi, việc tàu khởi hành hay đang đi nhanh và dừng lại cũng gây cảm giác khó chịu.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, Phó trưởng Ban MRB Nguyễn Bá Sơn cho biết với vai trò chủ đầu tư, khi tiếp nhận các thông tin phản hồi, MRB sẽ trao đổi lại với Công ty Metro Hà Nội – đơn vị vận hành – để lưu ý với tài xế và có những điều chỉnh phù hợp.
“Tuy nhiên, tuyến metro này được thiết kế với tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ vận hành thương mại 35km/h. Đây là tốc độ vận hành phổ biến mà các nước châu Âu đang áp dụng, nên chúng tôi tin rằng với thiết kế này sẽ đảm bảo công tác vận chuyển hành khách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn” – ông Sơn nói.
Ông Vũ Hồng Trường, tổng giám đốc metro Hà Nội, đơn vị vận hành tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, nói thêm: “Tốc độ và tính năng gia tốc tàu metro Nhổn – ga Hà Nội khá cao nên khi tàu rời ga hơi bị dúi người. Nhưng rồi chúng ta sẽ quen cảm giác này vì đây là tiêu chuẩn của tàu châu Âu”.
Hành lang sân ga khá đẹp và hiện đại – Ảnh: PHẠM TUẤN
Điểm khác biệt giữa metro Cát Linh – Hà Đông và metro Nhổn – ga Hà Nội
Chia sẻ về điểm khác biệt giữa tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội sắp đưa vào hoạt động và metro Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường cho biết tàu tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội cũng có 4 toa như Cát Linh – Hà Đông, tuy nhiên sức chứa khác nhau.
“Tàu Cát Linh – Hà Đông có sức chứa 960 hành khách, bao gồm cả hành khách ngồi và đứng, tỉ lệ ghế ngồi 144/960, chiếm 15%. Còn tàu tuyến Nhổn – ga Hà Nội có sức chứa 944 hành khách, tỉ lệ ghế ngồi 94 ghế, chiếm 10%.
Khác biệt thứ hai, tốc độ và tính năng gia tốc của Nhổn – ga Hà Nội cao hơn. Khác biệt tiếp theo là tàu có nút chống ngủ gật, có camera nên lái tàu không phải rời vị trí khi tàu lên ga” – ông Trường nói.
Ngoài ra, theo ông Trường, vé tàu Nhổn – ga Hà Nội có nhận dạng, vì vậy nếu mua vé tháng, hệ thống tự động sẽ nhận dạng đúng chủ vé mới cho hành khách lên tàu. Việc này sẽ hạn chế mua vé tháng rồi cho người khác mượn để đi tàu.
Về giá vé, để đảm bảo tính đồng bộ, tuyến Nhổn – ga Hà Nội sẽ áp dụng giá vé giống tuyến Cát Linh – Hà Đông. Theo đó, hành khách đi 1 ga sẽ mất 8.000 đồng, đi toàn tuyến phải trả 15.000 đồng (tuy nhiên vì metro Nhổn – ga Hà Nội chỉ mới khai thác tới ga Cầu Giấy, nên thời gian đầu giá vé sẽ là 12.000 đồng/toàn tuyến).
Những người đầu tiên được trải nghiệm tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội trước thời điểm khai thác thương mại – Ảnh: PHẠM TUẤN
Ông Vũ Hồng Trường bày tỏ: “Có thể nói việc tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội đoạn trên cao được vận hành thương mại là tin vui nhất của chúng tôi trong năm 2024”.
Về thời gian chính thức vận hành tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, ông Trường cho biết hiện chưa nhận được quyết định từ UBND TP Hà Nội, dự kiến trong chiều tối 7-8 TP sẽ có thông cáo báo chí chính thức về việc này.