Theo Hãng tin Reuters, ngày 22-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản đối bất kỳ nước nào tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma dưới mọi hình thức, lý do.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi một số quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng gặp Đạt Lai Lạt Ma tại thành phố New York hôm 21-8.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định: “Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không đơn thuần là một nhân vật tôn giáo, cũng không phải người có tư tưởng ôn hòa. Ông ta là đối tượng lưu vong chính trị có liên quan đến các hoạt động ly khai chống Trung Quốc dưới lốt hoạt động tôn giáo.
Trung Quốc tuyệt đối phản đối bất kỳ nước nào tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma dưới mọi mức độ, phản đối bất kỳ hình thức hội họp nào giữa Đạt Lai Lạt Ma và quan chức các nước.
Trung Quốc đã gửi thông điệp phản đối nghiêm túc cho phía Mỹ. Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ không cho phép Đạt Lai Lạt Ma tham gia các hoạt động ly khai chính trị ở nước này”.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình tại Tây Tạng. Bắc Kinh cũng phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Đạt Lai Lạt Ma – người được cho là lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng và kêu gọi độc lập cho vùng đất này.
Trung Quốc tố Mỹ “gây ra nhiều mối nguy hạt nhân nhất thế giới”
Ngày 21-8, báo New York Times đăng bài khẳng định Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua một văn bản chiến lược hạt nhân tối mật hồi tháng 3.
Văn bản này đánh dấu lần đầu tiên Washington hướng trọng tâm chiến lược răn đe của mình vào kho hạt nhân ngày một phát triển của Trung Quốc. Mỹ tin rằng kho hạt nhân của Bắc Kinh sẽ ngang bằng về quy mô và độ đa dạng với Mỹ và Nga trong vòng 10 năm tới.
Trong cuộc họp báo ngày 21-8, bà Mao Ninh lên tiếng chỉ trích Mỹ mới là “bên mang đến nhiều hiểm họa hạt nhân nhất thế giới”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Washington liên tục thổi phồng “mối nguy hạt nhân Trung Quốc” nhằm “tạo cớ để tránh né việc chấp hành các nghĩa vụ giải trừ hạt nhân của mình”.
Bà Mao Ninh cũng nhấn mạnh bản chất lực lượng hạt nhân của Trung Quốc rất khác Mỹ và Bắc Kinh có chiến lược tự vệ hạt nhân nghiêm ngặt, trong đó đề cao nguyên tắc “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”.