Sáng 30-9, Bộ Công Thương tổ chức giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ với chủ đề “Khuyến nghị liên quan đến điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam”.
Số vụ việc và mặt hàng bị điều tra ngày càng tăng
Theo bà Trương Thùy Linh, phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Việt Nam đã đối diện với 259 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (gồm chống trợ cấp, chống bán phá giá, tự vệ). Số vụ việc ngày càng tăng từ năm 2011 đến nay và riêng năm nay đã phải xử lý 15 vụ việc.
Trong đó các vụ việc chống bán phá giá bị điều tra nhiều nhất với 141 vụ (chiếm 55%), có nhiều mặt hàng bị điều tra kép vừa bị điều tra chống bán phá giá, vừa bị điều tra chống trợ cấp.
Theo bà Linh, thị trường điều tra ngày càng mở rộng với 25 nước. Trong đó, Mỹ và EU đưa ra các quyết định điều tra nhiều nhất.
Đáng chú ý, mặt hàng điều tra cũng ngày càng đa dạng. Từ những mặt hàng có kim ngạch cao hàng tỉ USD, đến cả những mặt hàng có kim ngạch thấp như máy cắt cỏ, túi giấy, đĩa giấy, dập ghim cũng là đối tượng bị áp thuế và bị điều tra phòng vệ thương mại.
Cùng đó, xu hướng điều tra khắt khe hơn. Hàng hóa vừa bị điều tra cùng lúc nhiều biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Các cơ quan nước ngoài đưa ra nhiều yêu cầu điều tra khắt khe hơn về nội dung và thời gian, đặc biệt là điều tra chống trợ cấp.
Ngoài ra, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng. Ví dụ như điều tra chống lẩn tránh, một mặt hàng đã bị điều tra áp thuế, song cũng mặt hàng đó mà sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam với giá trị gia tăng thấp để hưởng thuế, sẽ có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh.
Theo bà Linh, việc điều tra cũng áp dụng nhiều quy định ngặt nghèo, gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Một số nước chưa xem Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Vì vậy trong điều tra thường chọn nước tương đương để tính toán thuế trợ cấp, chống bán phá giá làm cho mức thuế bị áp cao.
Vì sao hàng xuất khẩu vào Mỹ bị điều tra nhiều nhất?
Bà Linh nhận định, điều tra phòng vệ thương mại là xu thế bình thường của thế giới. Do đó, khi các vụ việc phòng vệ thương mại diễn ra, các bên liên quan như Chính phủ, các bộ ngành và địa phương liên quan, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp… cần phối hợp chặt chẽ để có biện pháp ứng phó.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng – cho hay nước Mỹ hàng năm nhập siêu khoảng 1.000 tỉ USD. Trong đó Việt Nam là một trong ba quốc gia dẫn đầu thặng dư thương mại ở Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Đến nay, Mỹ điều tra 66 vụ liên quan sản phẩm xuất khẩu Việt Nam. Trong đó, mặt hàng chủ yếu như thép, gỗ, sản phẩm nông nghiệp, tôm, cá tra, mật ong. Từ đầu năm nay đến nay, trung bình mỗi tháng có một vụ điều tra, với 7 vụ là pin năng lượng mặt trời, thép co, đĩa giấy… và hàng năm đều rà soát với hàng xuất khẩu Việt Nam.
“Việc phòng vệ tăng trưởng nhanh thể hiện Việt Nam luôn là đối tác tiềm tàng với các vụ việc phòng vệ thương mại, nằm trong phạm vi và tầm ngắm của Mỹ” – ông Hưng nói.
Ông Hưng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam khi bị điều tra cần phối hợp thương vụ, cung cấp thông tin bản câu hỏi và cơ quan điều tra. Thương vụ sẽ chủ động phối hợp với các công ty tư vấn luật, chủ động cung cấp thông tin kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.