Tham dự talkshow là những gương mặt start-up của chương trình Tuổi Trẻ Start-up Award – những người trẻ đang đi tìm chỗ đứng cho thương hiệu của mình với rất nhiều những thách thức cần phải vượt qua.
Start-up phải tận tâm, tận hiến, tận lực
Một câu hỏi lớn mà ông Nguyễn Quốc Kỳ – chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel – đặt ra cũng là điều khiến ông trăn trở: “Chúng ta đổi mới từ năm 1986 nhưng sau 38 năm vẫn chưa có thương hiệu nào mà cả thế giới đều dùng.
Hàn Quốc mất 30 năm, Trung Quốc mất 18 năm sau đổi mới để họ có sản phẩm toàn cầu. Thời gian để xây dựng sản phẩm mang tính đa quốc gia ngày càng ngắn, nhưng 38 năm chúng ta vẫn chưa có được sản phẩm như vậy”, ông Kỳ nói.
Là một doanh nhân đã gắn bó 30 năm với hành trình xây dựng thương hiệu Vietravel – có thể coi là tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, ông cho rằng xây dựng thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường là một việc đầy khó khăn.
“Một giáo sư mà tôi từng theo học đã từng nói rằng nếu 1 năm có hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông thì sau đó có vài trăm ngàn vào đại học.
Sau 10 năm con số giáo sư có thể lên tới vài ngàn, nhưng để có một doanh nhân thì có thể là không có ai.
Điều đó có nghĩa là để xây dựng một thương hiệu là không dễ dàng. Nó đòi hỏi phải tận tâm, tận hiến, tận lực để đi đến đích”, ông Kỳ chia sẻ.
Lấy câu chuyện xây dựng thương hiệu của Vietravel, ông Kỳ cho rằng các bạn trẻ nên chọn một triết lý kinh doanh, có một minh triết rõ ràng trong định hướng kinh doanh để không lạc lối.
Đồng thời phải đánh giá thật kỹ, nhìn ra xu hướng, khoảng hở của thị trường, của nhu cầu xã hội để định vị con đường của doanh nghiệp.
Ông cũng lấy chính chương trình Tuổi Trẻ Start-up Award như một ví dụ cho việc tìm ra xu hướng mới của xã hội.
“Chương trình của báo Tuổi Trẻ đã đi vào những lĩnh vực nóng mang tính toàn cầu đó là tái chế, giảm phát thải, hướng đến xây dựng một xã hội xanh. Đây là cuộc cách mạng thật sự mà các bạn trẻ có thể tận dụng để khởi nghiệp nhưng cần phải lựa chọn, đánh giá đúng trên cơ sở năng lực của chính mình”.
Cần tạo cẩm nang xây dựng thương hiệu bài bản từ đầu
Từng có hành trình đi cùng các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Nguyễn Tiến Huy – tổng giám đốc Pencil Group, tổng giám đốc Việt Nam Lagacy Branding Center – nhận định xây dựng thương hiệu giống như trồng cây, cần có gốc vững bền (xây dựng từ gốc) và tầm nhìn xa.
Theo ông Huy, khi bắt đầu kinh doanh, các công ty khởi nghiệp sẽ thấy rằng câu chuyện xây dựng thương hiệu là công cụ giao tiếp với tất cả các bên liên quan chứ không chỉ dành cho người tiêu dùng hay đối tác.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu nằm trong cả những giao tiếp nội bộ, giao tiếp hằng ngày, nội dung trên mạng xã hội, nằm ở content của cá nhân founder.
Ông Huy cho biết các doanh nghiệp cần tạo ra cẩm nang xây dựng thương hiệu bài bản ngay từ đầu.
Nhiều doanh nghiệp tốn kém rất nhiều cho chuyện tái định vị thương hiệu, đến một giai đoạn phải đập đi xây lại. Khi đó, nếu mô hình kinh doanh liên quan đến sản xuất thì việc đập đi xây lại sẽ rất tốn kém, khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Huy – tổng giám đốc Pencil Group, tổng giám đốc Việt Nam Lagacy Branding Center
Tại sự kiện, ông Huy giới thiệu mô hình cây thương hiệu gồm phần gốc, thân và tán. Đây được xem là công cụ xây dựng thương hiệu mang lại giá trị cho doanh nghiệp.
Ông cho hay xây dựng thương hiệu từ vạch xuất phát nhưng phải phát triển bền vững.
Mà muốn phát triển bền vững như một cái cây thì gốc rễ phải bám sâu từ đất mới có thể đương đầu trước bão dông.
Chia sẻ quan điểm từ một doanh nghiệp bán lẻ, ông Nguyễn Ngọc Thắng, phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết với mục tiêu phục vụ người Việt, cùng doanh nghiệp Việt tạo nên sức mạnh cho thị trường, đơn vị này luôn hoan nghênh, chào đón sản phẩm của start-up.
“Quan trọng sản phẩm của các start-up phải có sự khác biệt trên thị trường, mang tính đổi mới, sáng tạo, hướng đến cộng đồng, đi vào lòng người tiêu dùng bằng chất lượng, hình ảnh, mang lại giá trị và mang cá tính trong khởi nghiệp”, ông Thắng nói.
Ông cho biết việc đưa được hàng vào Saigon Co.op là vạch xuất phát, còn để đứng vững thì đòi hỏi doanh nghiệp đó phải luôn hoàn thiện mỗi ngày. “Chúng tôi luôn trợ lực để các start-up trẻ đưa hàng hóa đến gần người tiêu dùng hơn”.
Gần 15 năm hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, với việc tiếp xúc với hàng ngàn các start-up, bà Lê Thị Tường Vy – phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) – cho biết BSSC từ ban đầu khởi nghiệp, đơn vị đã định hình, xác định rõ mô hình cũng như xây dựng thương hiệu từ hơn 14 năm trước, tức lúc mới chỉ là doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo bà Vy, tạo dựng thương hiệu ngay từ thời điểm xuất phát sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng, cũng như có thể bền bỉ, kiên trì đi theo định hướng đã xác định.
Hiểu được nhiều start-up non trẻ trong quá trình triển khai sẽ có nhiều thứ lo toan và cần nguồn trợ lực, bên cạnh việc cho start-up trẻ “vay mượn” thương hiệu để tạo ra sự uy tín, BSSC đã tổ chức nhiều chương trình kết nối các start-up với nhau nhằm tạo thương hiệu trong hành trình ban đầu, để các nhà khởi nghiệp trẻ có cơ hội xây dựng thương hiệu cùng những doanh nghiệp đã có tên tuổi trên thị trường.
Bà Vy cũng nhận định hiện nay, các start-up đã dần có sự chuyển biến trong định vị và xây dựng thương hiệu ngay từ đầu.
Đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu
Đồng hành cùng với các start-up của Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 trong suốt 2 tháng của cuộc thi, ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì PRO Việt Nam – đã dành rất nhiều lời khích lệ cho các start-up.
Ông cho biết, mỗi start-up đều mang đến một ý tưởng độc đáo và đầy cảm hứng, từ giải pháp sản xuất, vận chuyển xanh, các sản phẩm tái chế sáng tạo, đến những nền tảng công nghệ bền vững.
Trong quá trình chấm giải, các thành viên của hội đồng chuyên môn đã thấy rõ nỗ lực không ngừng của các bạn trẻ – từ những dự án nông nghiệp bền vững như SATY Rice Farms, nền tảng nông nghiệp HUB, đến các công nghệ như EcoTruck và VOXCool, hay các sản phẩm sáng tạo từ vật liệu tái chế của Plastic Brick và AirX Carbon.
“Mỗi sáng kiến đều mang một dấu ấn riêng, thể hiện sự tiên phong và tầm nhìn xa của các nhà sáng lập. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước sự cống hiến và tâm huyết của từng start-up.
Các bạn đã chứng minh rằng thành công không chỉ nằm ở giá trị kinh tế, mà còn là những giá trị bền vững, những tác động tích cực mà các bạn đem lại cho cộng đồng và môi trường.
Sự xuất hiện của các bạn là minh chứng mạnh mẽ rằng thế hệ trẻ Việt Nam đang đóng góp thiết thực vào sứ mệnh xây dựng một tương lai xanh và an lành cho đất nước”, ông Trai chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng với sự ủng hộ của cộng đồng, các sáng kiến xanh sẽ còn vươn xa và góp phần thay đổi xã hội theo hướng bền vững hơn, cũng như truyền cảm hứng và thúc đẩy nhiều bạn trẻ khác bước vào con đường khởi nghiệp, với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và cống hiến cho tương lai xanh.