Cuộc tấn công vào vùng Kursk bắt đầu từ ngày 6-8 của Ukraine là đòn tấn công xuyên biên giới lớn nhất của Kiev kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022, đồng thời đặt ra thách thức lớn nhất với Tổng thống Vladimir Putin kể từ cuộc nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner vào năm 2023.
Một số ước tính cho thấy Ukraine đã kiểm soát khoảng 100km2 vào lãnh thổ Nga ở vùng Kursk. Theo báo Washington Post, việc để Ukraine đột kích xuyên biên giới đã đặt ra nhiều dấu hỏi lớn về những thất bại tình báo và chiến lược từ Matxcơva.
Đòn giáng lớn
Nhà phân tích quốc phòng Mathieu Boulegue từ Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) bình luận với Hãng tin AP rằng cuộc tấn công của Ukraine đã khiến công chúng Nga hoảng sợ. “Đợt tấn công này là một biểu tượng, một màn phô trương sức mạnh lớn để cho thấy cuộc chiến vẫn chưa bị đóng băng”, ông nói.
Giới quan sát ngoài ra nhận định rằng động thái của Ukraine cũng có thể buộc Nga phải cân nhắc điều chỉnh lực lượng trên chiến trường.
Theo ông John E. Herbst – giám đốc cấp cao Trung tâm Á – Âu của Atlantic Council, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, Nga đã có những bước tiến gần đây ở miền đông Ukraine, nhưng màn tấn công của Kiev ở Kursk có thể buộc Điện Kremlin phải “chia lửa” cho khu vực này, đồng nghĩa giảm bớt áp lực hiện tại ở vùng Donbas hoặc phía bắc Kharkov.
Nghị sĩ Andrey Gurulyov, nguyên phó chỉ huy quân khu miền Nam của Nga, lại bày tỏ thất vọng với phản ứng của Nga. Trên Telegram, ông kêu gọi công tố viên quân sự mở cuộc điều tra về quyết định của các chỉ huy khi chuyển lực lượng phòng thủ ra khỏi Kursk trước cuộc tấn công của Ukraine.
Ông cũng tuyên bố đã có các báo cáo tình báo về việc quân đội Ukraine chuẩn bị tiến đánh khu vực này 48 giờ trước khi cuộc tấn công xảy ra, làm dấy lên những câu hỏi về phản ứng của lực lượng Nga.
“Đã có tín hiệu từ tình báo gửi đến giới lãnh đạo, nhưng các biện pháp đã không được triển khai. Đây là một thất bại của hệ thống tình báo”, nhà phân tích chính trị Sergei Markov nói với Washington Post.
Khó làm thay đổi cục diện chiến trường
Tuy nhiên, ông Markov cũng cho rằng những ảnh hưởng này vẫn có thể được giải quyết nếu Nga có thể triển khai một đòn phản công đánh bại lực lượng Ukraine.
Thực tế, Nga hoàn toàn có thể xem việc Ukraine sử dụng các phương tiện, vũ khí do phương Tây tài trợ ở Kursk là một lần vượt “lằn ranh đỏ” khác của Ukraine, và không loại trừ khả năng Kiev sẽ phải đối diện với một phản ứng mạnh mẽ từ Matxcơva.
Mỹ và Đức xem việc Ukraine sử dụng các vũ khí mà họ viện trợ trong vụ tấn công lãnh thổ Kursk của Nga lần này là phù hợp, vì Kiev đang tự vệ.
Một học giả người Nga thân cận với các nhà ngoại giao Matxcơva đánh giá hành động của Ukraine có thể là một bước leo thang nhưng không đủ khả năng thay đổi tình hình trên thực địa. Mặt khác, việc Ukraine táo bạo chiếm giữ lãnh thổ Nga khó có thể khuyến khích ông Putin thỏa hiệp.
Một số chuyên gia quân sự cũng đặt dấu hỏi lớn về sự sáng suốt của Ukraine trong đòn tấn công này, nếu xét đến điểm yếu của Kiev ở một số vị trí then chốt khác trên chiến trường. Họ dự đoán rằng Nga với lợi thế về lực lượng và được vũ trang mạnh mẽ có thể sớm đánh bại quân đội Ukraine.
Tổng thống Putin đã tổ chức cuộc họp Hội đồng An ninh vào ngày 9-8 nhằm thảo luận về các “biện pháp chống khủng bố”. Cùng ngày, Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang ở vùng Kursk. Matxcơva cũng huy động thêm binh lính, xe tăng, hỏa lực pháo và rocket cho vùng Kursk để đẩy lùi quân đội Ukraine.
Sáng sớm 10-8, các hãng thông tấn Nga đưa tin Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga bắt đầu triển khai các biện pháp chống khủng bố tại các khu vực biên giới bao gồm Kursk, Belgorod và Bryansk từ ngày 9-8.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong 24 giờ qua, lực lượng Nga đã “kiềm chế các nỗ lực đột kích của kẻ địch vào sâu về phía Kursk trong lãnh thổ Nga”, khẳng định Ukraine đã mất tổng cộng 945 binh sĩ và 102 xe bọc thép trong các cuộc giao tranh ở Kursk.