Đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức (TP.HCM) nối từ đường Võ Nguyên Giáp vào hầm vượt sông Sài Gòn dài hơn 6km đi qua nhiều giao lộ như Lương Định Của, Đồng Văn Cống, Trần Não, Nguyễn Cơ Thạch, Tố Hữu…
Tại mỗi giao lộ dành ra 1-2 làn ở hai bên để ô tô rẽ trái hoặc rẽ phải. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều tài xế phản ánh những vạch xương cá này khiến họ gặp nhiều khó khăn trong lưu thông.
Tranh cãi về vạch xương cá
Anh Hữu Long, tài xế taxi, cho biết tại giao lộ Mai Chí Thọ – Tố Hữu (hướng từ đường Võ Nguyên Giáp vào hầm vượt sông Sài Gòn) có một làn đường bên phải để cho các phương tiện rẽ phải vào đường Tố Hữu. Thế nhưng ngay trên làn rẽ phải này lại có kẻ vạch xương cá.
Anh Long thắc mắc: Theo quy định, các xe cộ không được chạy đè lên vạch xương cá. Như vậy giờ các tài xế phải làm sao?
“Rõ ràng là làn đường dành cho xe rẽ phải. Vậy mà có cái vạch xương cá trên đó, giờ anh em tài xế đi hay không đi? Nếu đi thì chắc chắn sẽ đè vạch, vậy có bị phạt hay không?” – anh Long nói.
Trong khi đó, tài xế tên Khoa chia sẻ mỗi khi tới giao lộ Mai Chí Thọ – Tố Hữu, mặc dù xe chuẩn bị rẽ phải nhưng anh chọn cách đi vào làn giữa cho… an toàn.
Tương tự, vì sợ đè vạch xương cá sẽ bị phạt nguội nên anh Long và nhiều tài xế khác không dám chạy vào làn rẽ phải. Thay vào đó sẽ đi ở làn giữa, xếp hàng chờ đèn rồi mới rẽ phải.
Theo anh Long, vì điều này mà đoạn đường nói trên hay xảy ra tình trạng các phương tiện xếp hàng rất dài chờ đèn. Khi đèn bật xanh thì những xe rẽ phải chen chúc, xin chuyển hướng làm các xe phía sau phải chạy chậm, bóp còi inh ỏi.
Anh Cường (ngụ quận 1) thắc mắc không hiểu vạch xương cá này có tác dụng gì. Theo anh, làn rẽ phải thì phải để cho xe rẽ, việc kẻ thêm vạch xương cá như vậy sẽ làm khó tài xế.
Nếu cơ quan chức năng muốn cấm những xe đi thẳng mà lại chạy vào làn đường này thì không cần kẻ vạch xương cá. Thay vào đó nên gắn camera phạt nguội ở ngay giao lộ sẽ hiệu quả hơn.
Trên mạng xã hội, nhiều tài xế cũng tranh cãi về vạch xương cá tại giao lộ Mai Chí Thọ – Tố Hữu. Có người nói xe rẽ phải thì cứ đè vạch rồi rẽ. Tuy nhiên có người lại cho rằng từng có người đè vạch và bị gửi giấy phạt nguội về nhà.
Nhiều người bày tỏ lo lắng vì lâu nay hay chạy đè vạch ngay đoạn này, không biết có bị phạt nguội không.
Vì sao chỗ có chỗ không?
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online chiều 8-8, tại giao lộ Mai Chí Thọ – Tố Hữu có rất nhiều tài xế sợ vạch xương cá này.
Nhiều xe cộ khi chạy tới vị trí có vạch xương cá liền xi nhan trái chen vào làn giữa, sau đó xi nhan phải ra lại làn rẽ phải rồi rẽ vào Tố Hữu.
Trong khi đó trên tuyến đường Mai Chí Thọ, vạch xương cá đoạn có đoạn không, cũng có đoạn trước đây có vạch xương cá nhưng nay đã được xóa bỏ.
Như tại giao lộ Mai Chí Thọ – Trần Não, Mai Chí Thọ – Nguyễn Cơ Thạch (hướng vào hầm vượt sông Sài Gòn) cũng thiết kế làn đường như giao lộ Mai Chí Thọ – Tố Hữu, Thế nhưng làn rẽ phải tại hai giao lộ nói trên không có kẻ vạch xương cá.
Ở hướng từ hầm vượt sông Sài Gòn chạy ra, tại giao lộ Mai Chí Thọ – D1 vạch xương cá được xóa bỏ để các xe quay đầu.
Trong khi đó tại giao lộ Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống có một làn cho xe quay đầu nhưng lại có vạch xương cá nên làn này gần như bỏ trống, không xe cộ nào dám chạy đè lên.
Trung tâm Quản lý giao thông đô thị TP.HCM cho biết: Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V (thường gọi là vạch xương cá) được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019/BGTVT): Phụ lục G, khoản G1.4. Nhóm vạch kênh hóa dòng xe, điểm b. Vạch 4.2: Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V.
Vạch chữ V được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy, mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông trên đường. Khi vạch 4.2 được sử dụng, các xe cộ phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch, trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.
Vạch kênh hóa dòng xe trên đường Mai Chí Thọ tại giao lộ Mai Chí Thọ – Tố Hữu (trên phần đường dành cho xe ô tô, hướng từ thành phố Thủ Đức đi quận 1) có ý nghĩa kênh hóa dòng giao thông đi thẳng trên Mai Chí Thọ và dòng giao thông rẽ phải vào đường Tố Hữu; phân chia phần đường dành cho xe rẽ phải và phần đường dành cho xe đi thẳng tại giao lộ nhằm đảm bảo cho hai hướng lưu thông này không cản trở, giao cắt nhau khi qua giao lộ gây mất an toàn giao thông.
Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ nêu trên, các xe chạy trên đường Mai Chí Thọ khi muốn rẽ phải vào đường Tố Hữu không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch, trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.