Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa phát hồ sơ mời thầu để tìm nhà thầu thi công gói thầu J3-1 (phần việc còn lại của gói thầu J3 cầu Phước Khánh) thuộc tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Giá dự toán gói thầu là 683,994 tỉ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng. Thời gian thực hiện hợp đồng 13 tháng, thời gian mở thầu vào ngày 6-8-2024.
Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58km có mốc tiến độ hoàn thành vào tháng 9-2025. Hai năm qua, sau khi được cơ quan chức năng giải quyết một số vướng mắc về thủ tục pháp lý, hầu hết các gói thầu đã tăng tốc thi công, ngoại trừ gói thầu J3 cầu Phước Khánh.
Cầu Phước Khánh (bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ, TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) trước đây do liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) – Cienco 4 (Việt Nam) làm. Do gặp vướng mắc về cơ chế chính sách, gói thầu cầu Phước Khánh cũng như nhiều gói thầu khác thuộc cao tốc Bến Lức – Long Thành đình trệ một thời gian.
Sau đó, liên danh nhà thầu làm gói thầu cầu Phước Khánh dừng thi công từ tháng 7-2019, từ chối thực hiện các công việc còn lại, đề xuất chấm dứt hợp đồng. Đến năm 2022, chủ đầu tư và nhà thầu J3 đã chấm dứt hợp đồng, khi khối lượng tổng thể đạt 80,7%.
Khối lượng chính còn lại của gói thầu này gồm phần dầm chủ, bản mặt cầu và hệ cáp văng, bê tông nhựa, hệ thống chiếu sáng, lan can, dải phân cách, hệ thống thoát nước cầu chính.
Gói thầu này dùng vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nên phải tuân thủ theo các quy định về nhà thầu chính từ Nhật Bản theo các thỏa thuận đã ký giữa đại diện hai Chính phủ. Trong đó, quy định quốc tịch hợp lệ của nhà thầu chính phải là Nhật Bản.
Để tìm nhà thầu Nhật Bản làm tiếp, vào tháng 12-2023, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu J3-1. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế. Tuy nhiên, sau 90 ngày mời thầu, không có bất kỳ nhà thầu Nhật Bản nào quan tâm và tham gia đấu thầu. Trong khi đó, nhiều nhà thầu trong nước muốn tham gia hoàn thiện cây cầu này nhưng không đủ điều kiện.
Vì vậy Bộ Tài chính đã có công hàm gửi nhà tài trợ Nhật Bản đề nghị sửa đổi, nới lỏng điều kiện ràng buộc về nhà thầu theo hướng cho phép các nhà thầu Việt Nam tham gia đấu thầu với tư cách nhà thầu chính hoặc liên danh làm các hạng mục xây lắp còn lại. Tuy nhiên, phương án này mất nhiều thời gian trong khi thời hạn hoàn thành dự án không còn nhiều. Đến nay phía Nhật Bản cũng chưa có ý kiến chính thức về đề nghị này.
Trong bối cảnh nêu trên, VEC đã đề xuất dùng vốn tự huy động thay vì xài vốn ODA để làm tiếp khối lượng còn lại của cầu Phước Khánh, tránh làm ảnh hưởng tiến độ chung. Sau đó, Văn phòng JICA Việt Nam đã có thư thông báo ý kiến là không phản đối chủ trương theo đề xuất của VEC.
Theo kế hoạch, trước tháng 10-2024, chủ đầu tư sẽ thông xe trước một số đoạn tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đã làm xong.