Từ tháng 6-2024 đến nay, nhiều tỉnh thành lo lắng dữ liệu đất đai bị ngắt gián đoạn, ảnh hưởng việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp khi nhận được thông báo từ Tập đoàn Viettel sẽ không thể cho sử dụng miễn phí mãi dịch vụ.
Miễn phí dịch vụ dữ liệu đất đai 3 ngày/tuần đến hạn cuối 30-9
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, đơn vị triển khai, cho biết đã gửi thông báo đến các địa phương, Viettel cung cấp dịch vụ miễn phí vận hành hệ thống VBDLIS tối đa 3 ngày/tuần đến tháng 9-2024.
“Viettel mong muốn các địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để lựa chọn được phần mềm, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin cho việc vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương.
Trường hợp địa phương chậm triển khai thủ tục với mốc 30-9-2024 cũng cần tính toán các phương án vận hành thay thế tạm thời phù hợp, để không gián đoạn các nghiệp vụ liên quan đến quản lý đất đai, ảnh hưởng đến các hoạt động của người dân…”, đại diện tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel nói.
Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS do Tập đoàn Viettel triển khai, mang đến các giải pháp tổng thể phục vụ công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai. Hệ thống hỗ trợ ra quyết định liên quan đến đầu tư, phát triển, quản lý và sử dụng đất đai.
Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (viết tắt VILG) được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án bắt đầu triển khai năm 2017 và đã kết thúc năm 2022.
Theo Viettel, đến nay VBDLIS được doanh nghiệp vận hành chính thức miễn phí cho gần 36 tỉnh thành trên toàn quốc với 388/705 huyện, gồm 28 tỉnh thành cả nước thuộc dự án VILG và 8 tỉnh ngoài dự án VILG từ tháng 1-2021 đến nay.
Giải quyết hồ sơ đất đai sẽ gián đoạn?
Theo đại diện Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, yêu cầu sử dụng dữ liệu đất đai đã được ghi nhận tại nghị quyết 18 của Trung ương Đảng (tháng 6-2022) và được cụ thể hóa tại Luật Đất đai 2024.
Bên cạnh đó, từ ngày 9-6-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo dừng triển khai cơ chế đầu tư xây dựng Hệ thống thông tin đất đai theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).
Tiếp đến, bộ này cũng hướng dẫn các tỉnh thành tổ chức lựa chọn phần mềm, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai theo thẩm quyền, căn cứ vào nghị định 73/2019 và công văn hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Viettel cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề xuất, nhưng các tỉnh thành vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý thuê dịch vụ dữ liệu đất đai theo hướng dẫn của các bộ và quy định của pháp luật.
Trong khi Viettel phải tập trung nhân sự và tài nguyên hạ tầng để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả cho các tỉnh thành đã ký hợp đồng thuê dịch vụ hoặc có tiến độ triển khai dự án khả thi hơn.
Hơn nữa, Viettel là doanh nghiệp, không thể miễn phí trong thời gian quá dài. Viettel mong muốn UBND, sở tài nguyên và môi trường các tỉnh thành, các đơn vị có liên quan hết sức thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của Viettel”, đại diện tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel nói.
Địa phương nói gì?
Phản hồi với việc Viettel cung cấp dịch vụ dữ liệu 3 ngày/tuần, UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định “rất khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân kịp thời, đúng hạn, do khối lượng công việc bị dồn, áp lực giải quyết hồ sơ trên hệ thống VBDLIS rất lớn, thiết bị, nhân lực không đảm bảo”.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này đã thực hiện 100% thủ tục hành chính về đất đai thông qua hệ thống VBDLIS.
Còn tỉnh Tiền Giang có số lượng giao dịch khoảng 13.000 hồ sơ/tháng thông qua VBDLIS miễn phí từ ngày 15-7-2022. Hay tỉnh Long An có lượng giao dịch với khoảng 21.000 hồ sơ/tháng với hệ thống dữ liệu đất đai miễn phí từ Viettel từ 31-7-2022.