Yêu cầu mới với phong trào ‘Sinh viên 5 tốt’

Hội Sinh viên cần tạo thêm nhiều môi trường hơn nữa giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện, phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” – Ảnh: Q.L.

55 điểm cầu trực tuyến cùng điểm chính trực tiếp tại Hà Nội để sinh viên, cán bộ Hội sinh viên cùng chia sẻ trong hội thảo “Nâng cao chất lượng phong trào “Sinh viên 5 tốt”” hướng tới 75 năm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam 9-1.

Ước tính hơn 2.900 đại biểu đã tham gia ở tất cả điểm cầu. Riêng điểm cầu Hà Nội có trên 300 đại biểu là cán bộ chủ chốt Hội sinh viên cùng các điển hình đạt danh hiệu cấp trung ương.

Cần truyền thông giá trị danh hiệu tốt hơn

Trong nhiều ý kiến bàn giải pháp nâng chất lượng phong trào “Sinh viên 5 tốt”, có phát biểu thẳng thắn rằng vẫn còn sinh viên thờ ơ với phong trào. Điều này hoặc do áp lực học tập, hoặc vì các bạn cũng nhận thức chưa đầy đủ về phong trào.

Chị Đoàn Mai Dương (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói có thực trạng sinh viên tham gia phong trào vì muốn đạt danh hiệu hơn là phát triển bản thân. Do mục tiêu đạt danh hiệu nên chị Dương nói có một bộ phận sinh viên đến với hoạt động một cách hình thức, lấy lệ. Mà như thế phong trào sẽ không còn tính thực tiễn và bền vững.

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho rằng năm tiêu chí đặt ra của phong trào “Sinh viên 5 tốt” không gì ngoài mục tiêu để thay đổi nhận thức của sinh viên.

Đạt được danh hiệu, theo anh Hưng, không phải như vượt qua một bài thi mà cần giúp sinh viên hiểu những tiêu chí ấy được thiết kế để làm gì.

Lý giải, anh Tiến Hưng đơn cử như tiêu chí đạo đức tốt không phải đặt ra để “được giải nọ giải kia” mà chính là giúp sinh viên rèn luyện để bản lĩnh chính trị ngày càng vững vàng. Hay học tập tốt chính là hướng đến việc sinh viên có nền tảng kiến thức, phương pháp tư duy hiện đại, khoa học.

Tương tự vậy, thể lực tốt đâu phải chỉ cần tham gia vài ba giải chạy mà để gầy dựng ý thức tập luyện thể thao, rèn lối sống lành mạnh.

“Tình nguyện tốt không dừng lại ở việc tham gia đủ năm ngày tình nguyện mà từ đó vun đắp khát vọng cống hiến vì cộng đồng, vì xã hội trong sinh viên”, anh Hưng chia sẻ.

Tính đến nhóm sinh viên đặc thù

Dẫn thực tế tại Trường ĐH Trà Vinh cũng là nơi duy nhất cả nước đào tạo ngôn ngữ Khmer Nam Bộ, chị Nguyễn Khánh Bảo Thúy Vy (phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh) nói sinh viên học khoa này có các nhà sư. Nếu sinh viên có thể tham gia các giải chạy bộ, bơi lội, đạp xe hay bóng chuyền, bóng đá để xét tiêu chí thể lực tốt thì các nhà sư lại không thể!

“Sinh viên có thể tham gia giải chạy bộ, đi bộ qua ứng dụng trực tuyến nhưng các nhà sư không dùng điện thoại thông minh quá phổ biến để có thể tính như vậy. Chưa kể chúng ta cần xét đến đặc thù như sinh viên khuyết tật làm sao đạt tiêu chí thể lực tốt để đáp ứng đủ năm tiêu chí của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt””, chị Vy đặt vấn đề.

Từ đó, chị Vy nói cần sửa đổi, có thể ban hành bộ tiêu chí mới có các tiêu chí riêng với nhóm sinh viên đặc thù (như nhà sư, sinh viên khuyết tật). Còn anh Vũ Khắc Gia Bảo (Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc) cho rằng cần tính yếu tố đặc thù với sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài.

Anh Bảo nói các bạn khá khó khăn khi tham gia phong trào. Đó là khó khăn về thời gian và áp lực học tập, khó trong việc duy trì kết nối với cộng đồng người Việt, cả truyền thông và tiếp cận thông tin về phong trào nên hiếm đạt đủ tiêu chí của phong trào “Sinh viên 5 tốt”.

Do vậy, các cấp Hội sinh viên cần linh hoạt hơn trong các tiêu chí đánh giá để phù hợp với điều kiện của sinh viên đang học tại nước ngoài.

“Ngoài các tiêu chí học tập tốt, thể lực tốt, nên chăng hai tiêu chí tình nguyện tốt và hội nhập tốt có thể áp dụng việc tham gia duy trì và phát triển cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hỗ trợ sinh viên mới qua du học tại nước sở tại làm cơ sở đánh giá”, anh Gia Bảo đề đạt.

Ghi nhận quá trình nỗ lực của sinh viên

Bí thư Trung ương Đoàn – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho rằng khi vẫn còn sinh viên chưa thấy được giá trị của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, một phần cũng vì có nơi còn lúng túng tìm giải pháp triển khai cũng như tổ chức các hoạt động tạo môi trường để sinh viên rèn luyện, phấn đấu.

Trong khi chương trình đào tạo của các trường ngày càng rút ngắn buộc sinh viên phải tập trung hoàn thành tín chỉ, ít quan tâm đến phong trào. Chưa kể việc truyền thông về giá trị của danh hiệu này đến sinh viên cũng chưa thật tốt. Do vậy yêu cầu đặt ra cần tổ chức phong trào rộng rãi song phải tìm được nhân tố xuất sắc để từng bước nâng cao về chất, tiêu chuẩn của phong trào.

“Các đơn vị cần có cách ghi nhận quá trình phấn đấu của sinh viên. Chẳng hạn một sinh viên năm nhất mới đạt được một vài tiêu chí nhưng có ý thức rèn luyện, phấn đấu đạt danh hiệu này thì nhiệm vụ của tổ chức Hội là làm sao ghi nhận đầy đủ kết quả quá trình phấn đấu, rèn luyện của sinh viên”, anh Triết nói.

1.094 “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương

“Sinh viên 5 tốt” là danh hiệu cao quý dành cho sinh viên Việt Nam, được Hội Sinh viên Việt Nam khởi xướng và thực hiện nhiều năm qua với năm tiêu chí: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt.

Tính đến hiện tại đã có gần 2,05 triệu sinh viên đăng ký rèn luyện, phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Kết quả đã có 99.327 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, hơn 9.900 sinh viên đạt danh hiệu cấp tỉnh và 1.094 sinh viên đạt danh hiệu này cấp trung ương.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *