Rob Enderle là nhà phân tích chuyên về pin và công nghệ ô tô, từng là cố vấn cho nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft, Dell, IBM, Intel, Lenovo, HP… Trong bài viết trên trang chuyên về ô tô Torque News, ông đã có đánh giá hết sức đáng chú ý về cục diện giữa xe xăng và xe điện sẽ thay đổi vào năm 2029.
Thực tế, xe điện đã xuất hiện từ rất lâu bên cạnh xe xăng và xe hơi nước. Trải qua thời gian, xe hơi nước bị loại bỏ vì sự nguy hiểm của những nồi hơi và khó sử dụng. Pin cho phạm vi hoạt động rất ngắn và thời gian sạc rất lâu. Cuối cùng khiến xe xăng thắng thế.
Ngày nay, xe điện đang có những bước tiến đáng kể. Chúng có thể vượt trội hơn xe chạy xăng về khả năng tăng tốc, chi phí sử dụng (nếu sạc ở nhà) và ít phải bảo dưỡng. Nhưng nhiều người cho rằng phạm vi hoạt động chính là điểm yếu của xe điện.
Tuy nhiên, Rob Enderle có cái nhìn khác.
Phạm vi hoạt động sẽ “giết chết” xe xăng
Theo Enderle, hiện tại phạm vi hoạt động trung bình của xe điện còn khiêm tốn, khoảng 200 dặm (320km). Trung bình một người lái xe đi 1.200 dặm/tháng (1.900km). Điều này nghĩa là chủ xe cần sạc ít nhất 6 lần/tháng. Nhưng nỗi lo “không đầy pin”, nhiều người lại không có gara riêng, dẫn đến việc họ sạc xe hằng ngày.
Nếu không đi xa, việc này hoàn toàn ổn. Mọi người có thể cắm sạc mỗi đêm trong khi ngủ. Nhưng với nhiều người phải đi làm xa hay thích đi du lịch, xe điện là bất tiện. Với bộ sạc tại gia ChargePoint Flex, trung bình mất khoảng 10 tiếng để sạc đầy pin. Sử dụng trạm công cộng thì nhanh hơn, 15-30 phút nếu có chức năng sạc nhanh. Nhưng hầu hết cảm thấy không thoải mái, vì những tụ sạc này rất dễ bị trục trặc.
Phạm vi 1.600km sẽ là bước ngoặt thay đổi cuộc chơi
Theo tính toán của Global Journeys & Markets, khoảng cách giữa điểm xuất phát và đích đến của một chiếc ô tô trung bình là khoảng 15km. Như vậy, khi đi xa, khoảng cách di chuyển trung bình là 284 dặm (460km).
Do đó, người dùng cần một chiếc ô tô có phạm vi hoạt động 600 dặm (965km) để vừa đi vừa về mà không cần lo lắng sạc.
Tất nhiên, giữa hai chiều đi và về, người dùng sẽ dành vài ngày vi vu ở điểm đến. Do đó, Enderle đã làm tròn quãng đường mà một người di chuyển khi đi xa là 1.000 dặm (1.600km).
Nếu một chiếc xe có phạm vi hoạt động 1.000 dặm, chủ xe chỉ cần sạc 1 lần/tháng. Ngay cả khi quên sạc, họ vẫn có thể ung dung. Nỗi lo lắng về phạm vi không còn nữa.
Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có Aptera thực sự có được phạm vi di chuyển 1.000 dặm. Làm được điều này, Aptera phải hy sinh nhiều thứ. Chiếc xe rất nhẹ, rất nhỏ và hầu hết mọi người sẽ không thấy thoải mái.
Điều này sẽ sớm thay đổi, khi các hãng đang lao vào cuộc đua “pin tầm xa”. Một tên tuổi mới đây là Samsung đã nghiên cứu pin có thể sạc 9 phút cho quãng đường 1.000km.
Những bộ pin này chưa xuất hiện trên xe thương mại, nhưng dự kiến ngày đó không còn xa. Theo Enderle, chỉ cần khoảng 5 năm, tức là đến năm 2029, là người ta có thể ứng dụng loại pin này trên xe bán ra thị trường dân sinh.
Đến lúc đó, “xe xăng sẽ trở nên lỗi thời”, Enderle bình luận.
Tuy nhiên, “điều đó không có nghĩa xe xăng sẽ biến mất sau một đêm, có thể mất thêm một thập kỷ hoặc lâu hơn. Nhưng rõ ràng ở mốc đó, xe xăng dầu đã mất khả năng cạnh tranh và quá trình chuyển đổi sang xe điện sẽ thực sự bắt đầu”, ông đi đến kết luận.