Ngày 5-9, Hãng thông tấn AP dẫn tin từ Tổ chức FENAMAD chuyên bảo vệ quyền lợi các dân tộc bản địa ở Peru, cho biết hai người đốn gỗ đã bị bắn hạ bằng cung tên sau khi được cho là đã xâm phạm vùng đất của bộ tộc thổ dân Mashco Piro.
Đây vốn là bộ tộc bản địa sinh sống tại vùng rừng rậm Amazon tại Peru và chưa từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ được xem là bộ tộc sống khép kín nhất trên thế giới.
Sự việc xảy ra khi những người đốn gỗ đang mở rộng đường vào rừng ở lưu vực sông Pariamanu hôm 29-8 và tiếp xúc với bộ tộc này.
Hiện có 2 người đốn gỗ khác mất tích và 1 người khác bị thương sau cuộc tấn công, Tổ chức FENAMAD cho biết. Công tác cứu hộ đang được khẩn trương tiến hành.
Theo thông tin từ tổ chức, căng thẳng giữa nhóm người khai thác gỗ và bộ tộc thổ dân đang tăng cao và cần có thêm nhiều biện pháp can thiệp cũng như bảo vệ từ phía chính phủ.
“Nhà nước Peru hiện chưa thực hiện bất cứ hành động phòng ngừa và bảo vệ nào để đảm bảo tính mạng cũng như sự an toàn cho người lao động đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng”, tổ chức đưa ra tuyên bố hôm 3-9, đồng thời cho biết thêm cơ quan chức năng vẫn chưa đến khu vực này kể từ khi vụ việc xảy ra.
So với vụ việc hồi tháng 7 khi bộ tộc Mashco Piro tấn công những người khai thác gỗ, vụ tấn công lần này chỉ cách đó 25km.
Trong tuyên bố của mình, Tổ chức FENAMAD cho biết mặc dù họ đã cảnh báo chính phủ về nguy cơ bạo lực gia tăng giữa bộ tộc bản địa và nhóm người lao động, cho đến nay vẫn không có biện pháp nào được thực hiện.
“Đây là một tình huống căng thẳng và ngày càng nghiêm trọng”, Cesar Ipenza, luật sư chuyên về luật môi trường tại Amazon, cho biết.
Trước đó đã có nhiều cuộc xung đột khác nhau được ghi nhận. Hai người đốn gỗ đã bị bắn bằng cung tên khi đang đánh bắt cá, trong đó một người đã tử vong trong cuộc chạm trán với thành viên của bộ tộc này vào năm 2022.
Vụ tấn công lần này xảy ra chỉ một ngày trước khi Hội đồng quản lý rừng (FSC) đình chỉ chứng nhận bền vững của một công ty khai thác gỗ trong thời hạn tám tháng. Các tổ chức và những nhà bảo vệ nhân quyền cáo buộc công ty này xâm phạm đất đai của những người bản địa.
“Thật phi lý khi FSC vẫn trao chứng nhận cho những công ty mà rõ ràng đã vi phạm quyền cơ bản của con người cũng như quyền của những người bản địa”, giám đốc chương trình Peru tại Cơ quan điều tra môi trường Julia Urunaga cho biết.
“Thật tệ làm sao khi cứ phải có người chết và vụ việc trở thành một vụ bê bối quốc tế thì mới có hành động được đưa ra”, bà Julia nói.