Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC) 2024 đang diễn ra trong ba ngày (từ 4-9) tại thủ đô Bắc Kinh với chủ đề “Chung tay thúc đẩy hiện đại hóa, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – châu Phi trình độ cao”.
Ngày 5-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại sự kiện này.
“Tốt đẹp nhất lịch sử”
Tại hội nghị với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện đến từ hơn 50 nước châu Phi tổ chức ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, ông Tập đánh giá quan hệ Trung Quốc – châu Phi đang ở “giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử”, cam kết sẽ nâng quan hệ song phương của Trung Quốc với tất cả quốc gia châu Phi mà nước này có quan hệ chính thức lên mức “quan hệ chiến lược”.
Theo báo South China Morning Post, bài phát biểu của ông Tập tại hội nghị đã làm sáng tỏ cách thức Bắc Kinh lên kế hoạch mở rộng quan hệ với lục địa đen. Bài phát biểu nêu bật một số lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi trong tương lai, với đề xuất 10 điểm nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa châu Phi, ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu lục này có thể sẽ vượt ra ngoài phạm vi truyền thống thời gian qua là thương mại, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe.
Trong ba năm tới, Trung Quốc sẽ hỗ trợ 360 tỉ nhân dân tệ (50,6 tỉ USD) cho châu Phi, trong đó có 210 tỉ nhân dân tệ cho vay, 80 tỉ nhân dân tệ viện trợ, và khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư ít nhất 70 tỉ nhân dân tệ vào lục địa đen. Ông Tập nói Trung Quốc muốn giúp châu Phi tạo ra ít nhất 1 triệu việc làm.
Bắc Kinh sẽ mở cửa thị trường cho 33 nước kém phát triển nhất châu Phi (LDC). Ngoài ra Trung Quốc sẽ xây dựng 25 trung tâm nghiên cứu châu Phi và mời 1.000 quan chức, chính khách châu Phi đến Trung Quốc để tìm hiểu về quản trị hiện đại.
Bắc Kinh cũng sẽ cung cấp 1 tỉ nhân dân tệ viện trợ quân sự cho châu Phi và giúp đào tạo 6.000 quân nhân và 1.000 sĩ quan thực thi pháp luật.
Ngoài ra Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện 30 dự án kết nối và 1.000 “dự án nhỏ, đẹp” tại châu Phi theo Sáng kiến vành đai và con đường (BRI), thực hiện 20 dự án số hóa để giúp châu lục này “đón nhận cuộc cách mạng công nghệ mới”… Con số 50 tỉ USD như vậy cao hơn cam kết được đưa ra cách đây ba năm (khoảng 30 tỉ USD) tại diễn đàn ở Dakar, Senegal.
“Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh quyền lực với Mỹ gia tăng, Trung Quốc nhận ra họ phải dựa vào Nam bán cầu làm nền tảng cho chính sách ngoại giao của mình.
Việc lựa chọn các nước châu Phi trong cuộc cạnh tranh quyền lực to lớn này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi châu Phi là một khối lớn ở Nam bán cầu”, bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Mỹ, bình luận.
Những thứ Trung Quốc mang đến châu Phi
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của châu Phi, trong đó có đồng, vàng, lithium và khoáng sản đất hiếm. Bắc Kinh cung cấp cho các nước châu Phi những khoản vay hàng tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng…
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, người cũng dự hội nghị, nói với các nhà lãnh đạo châu Phi: “Thành tích phát triển đáng chú ý của Trung Quốc – gồm cả xóa đói giảm nghèo – mang lại nhiều kinh nghiệm và chuyên môn”.
Trong những thập niên gần đây, nguồn tài trợ từ Trung Quốc đã thúc đẩy việc xây dựng đường cao tốc, đường sắt và nhà máy điện trên khắp lục địa đen, giúp mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng đối mặt với những chỉ trích cho rằng các khoản vay không bền vững đã góp phần gây ra gánh nặng nợ nần cho nhiều nước châu Phi.
Ông Tập không đề cập đến những thách thức nợ nần này trong bài phát biểu của mình. Có một chi tiết đáng chú ý là ông Tập cũng không nhắc lại cam kết ông đã đưa ra tại diễn đàn ở Dakar (Senegal) năm 2021 về việc Trung Quốc sẽ mua 300 tỉ USD hàng hóa châu Phi. Ông chỉ cam kết mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Giới phân tích nhận định các quy định về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc đối với việc tiếp cận thị trường quá nghiêm ngặt đã khiến Bắc Kinh không thể thực hiện lời hứa đó.
Châu Phi giữa nhiều thách thức
Sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ca ngợi sự đoàn kết giữa Trung Quốc và châu Phi, đồng thời chỉ ra những thách thức toàn cầu bao gồm xung đột, biến đổi khí hậu và “cuộc cạnh tranh toàn cầu về khoáng sản quan trọng” vốn đang thúc đẩy cạnh tranh địa chính trị.
“Những thách thức này ảnh hưởng đến tất cả các nước nhưng thường được cảm nhận nghiêm trọng hơn ở châu Phi. Tuy nhiên giữa những thách thức này vẫn có hy vọng và cơ hội”, ông nói.